Bối rối xử lý xe vi phạm bị tạm giữ
Hiện nay, các bãi giữ xe vi phạm, xe tang vật tại một loạt thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… đều trong tình trạng quá tải. Nhiều phương tiện bị mưa nắng đã rỉ sét, mục nát. Trước vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, cần có phương án xử lý số xe này nhằm tránh lãng phí, giảm nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường.
Bến bãi không thu được tiền xe vi phạm
Theo ghi nhận của phóng viên ở TP Hồ Chí Minh, tại bãi giữ xe vi phạm ở giao lộ đường Hồ Văn Long - Võ Trần Chí (quận Bình Tân) có diện tích khá rộng, nhưng hàng nghìn xe máy nằm ở đây phần lớn đều cũ nát và chất đống.
Tương tự, tại bãi giữ xe tang vật của Phòng CSGT TPHCM (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) rộng khoảng 20.000m2 cũng chất đầy phương tiện mà chủ yếu là xe máy. Qua quan sát, bên trong bãi xe gần như kín chỗ, các phương tiện được xếp chồng lên nhau.
Trong khi đó tại Hà Nội, một loạt các kho bãi giữ xe vi phạm cũng rơi vào tình trạng quá tải. Đơn cử như bãi xe của Công ty Hà Cầu - Thăng Long (quận Hà Đông, TP Hà Nội) có hàng nghìn xe máy được tập kết, chất đống trong suốt thời gian dài nhưng không có chủ đến nhận.
Trao đổi với Lao Động, ông Lê Quý Hiền - Nhân viên trực ban Công ty Hà Cầu - Thăng Long cho biết, thực trạng quá tải tại bãi giữ xe vi phạm này không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng đến doanh nghiệp, tập thể nhân viên trông giữ bãi xe khi nhiều xe vi phạm nằm tại bãi đã 4 - 5 năm nay.
Theo các nhân viên của Công ty Hà Cầu - Thăng Long, đơn vị ký hợp đồng trông giữ xe vi phạm, xe tang vật với công an một số quận, đội cảnh sát giao thông (chủ yếu là Đội 7) và tổ công tác 141 Công an TP Hà Nội. Nhưng hiện nay, bến bãi quá tải nên Đội CSGT số 7 đã di chuyển phần lớn lượng xe vi phạm qua khu vực Mỹ Đình.
“Kinh doanh bãi gửi xe nhưng không có xe ra xe vào thì cũng không thu được tiền, trong khi xe nằm trong bãi choán gần như toàn bộ diện tích” - nhân viên Công ty Hà Cầu - Thăng Long than thở.
Cần thanh lý theo phương án đơn giản, nhanh chóng
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến thực trạng chủ phương tiện không đến nhận lại xe, thiếu tá Nguyễn Minh Đức - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT, CATP Hà Nội) - cho hay, các xe vi phạm chủ yếu không có hoặc bị mất giấy tờ đăng ký. Trong đó có xe dùng biển số giả, xe nhập lậu được mua trôi nổi trên thị trường.
Cùng với đó, không ít trường hợp vi phạm từ chối nhận xe vì thủ tục mất thời gian, giá trị thực của phương tiện thấp hơn mức xử phạt.
Theo lực lượng CSGT, công tác tịch thu, thanh lý tài sản đối với các phương tiện vi phạm “vô chủ” khá khó khăn khi phải trải qua một loạt thủ tục gồm: Xác minh nguồn gốc chủ sở hữu, mời đương sự đến giải quyết, tổ chức giám định, tra cứu xe nghi vấn không hợp pháp. Sau đó phương tiện mới được chuyển đi bán đấu giá.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải (người có hơn 40 năm nghiên cứu về giao thông) - cho rằng: Tình trạng quá tải tại các bãi giữ xe vi phạm hiện nay là đáng báo động. Bởi, số lượng xe vi phạm vào bãi trong tương lai sẽ chỉ tăng lên mà không giảm.
Để giải quyết bài toán này, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, cần thực hiện ngay vấn đề về thanh lý theo phương án đơn giản, thủ tục nhanh chóng.
“Cơ quan chức năng có thể đưa ra các Thông tư để hẹn chủ phương tiện đến nhận trong khoảng thời gian nhất định. Nếu sau thời gian này phương tiện vi phạm vẫn không có người đến nhận, thì có thể đưa xe ra đấu giá ngay” - TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.
Về phương án đấu giá, TS Nguyễn Xuân Thủy nhìn nhận, xe giá trị cao sẽ mang đi đấu giá, còn giá trị thấp hoàn toàn có thể bán rẻ cho người cần, người có thu nhập thấp. Còn xe cũ nát có thể tiêu hủy hoặc bán theo hình thức sắt vụn để đảm bảo an toàn cho con người và môi trường.
TS Nguyễn Xuân Thủy đề xuất, không nên coi vấn đề giữ xe là một yếu tố quan trọng nhất trong xử lý phương tiện vi phạm mà cần tăng cường các biện pháp hành chính như: Giữ giấy phép lái xe, tăng lũy tiến mức phạt đối với hành vi không đến nhận xe khi quá thời hạn.