Phạt nguội xe quá tải: Lợi nhiều
Giảm xuống cấp cầu đường, tăng minh bạch trong xử lý, tạo công bằng cho các doanh nghiệp bị đối thủ lấn lướt bằng việc "ăn gian" lượng hàng hóa vận chuyển... là những lợi ích có thể thấy
Tuần qua, có mặt tại khu vực trạm cân trên đường Nguyễn Văn Linh hướng từ quận 7 về huyện Bình Chánh, TP HCM, phóng viên ghi nhận dòng phương tiện di chuyển dày đặc.
Bất tiện 2 cấp cân
Vào khung giờ 11 - 14 giờ, nhiều ôtô nối nhau lăn bánh chậm, thậm chí xuất hiện tình trạng ùn ứ tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng kéo dài đến cầu Ông Lớn.
Khi phương tiện quá tải đi qua, chuông báo động reo vang, lực lượng thanh tra giao thông căn cứ biển số xe được truyền về trung tâm điều khiển sẽ ra hiệu lệnh dừng và yêu cầu tài xế di chuyển qua cân thứ cấp để xác nhận kết quả. Nếu tái xác nhận quá tải, thanh tra giao thông lập biên bản vi phạm hành chính.
"Tuy quy trình đơn giản nhưng khi áp dụng phải linh hoạt vì thực tế chuông báo động reo lên trong lúc phương tiện xếp hàng dài, nối nhau san sát khiến số liệu cân thiếu chính xác" - một thanh tra giao thông túc tực tại đây cho biết.
Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng phương tiện tại trạm cân số 3
Tương tự, tại trạm cân ở trạm thu phí An Sương - An Lạc (Quốc lộ 1, quận Bình Tân, TP HCM), dù cân hoạt động 24/24 giờ nhưng lực lượng thanh tra giao thông chỉ dừng xe xử lý từ 22 giờ đến 1 giờ hôm sau. Lý giải, ông Phan Minh Hải - Đội phó Đội Thanh tra giao thông số 8, phụ trách xử lý vi phạm tại trạm cân số 6, số 7 (khu vực trạm thu phí An Sương - An Lạc) - cho biết Quốc lộ 1 đoạn từ quận 12 đến quận Bình Tân lưu lượng xe rất đông, ban ngày thực hiện kiểm tra dễ dẫn đến nguy cơ nghẽn Quốc lộ 1.
Để khắc phục bất cập trên các tuyến đường, TP HCM vừa cho phép thí điểm phạt nguội xe quá tải trọng. Việc thí điểm áp dụng tại 3 trạm kiểm tra tải trọng xe gồm trạm số 3 (khu vực cầu Ông Lớn, hướng huyện Bình Chánh đi quận 7), trạm số 6 và 7.
Tăng minh bạch, giảm chống đối
Đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM nhận định triển khai phạt nguội xe quá tải giúp bảo đảm an ninh trật tự, hạn chế các trường hợp chống đối, gây rối trật tự khu vực trạm cân. Ngoài ra, hạn chế tác động của lực lượng kiểm tra, tăng tính minh bạch…
Theo đó, hệ thống cân tự động có thiết bị cảm biến đặt dưới đường, có camera tự động chụp biển số xe, đọc ra các thông tin như tên chủ xe, khối lượng xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng... Hệ thống sẽ tự động tính toán xe có vi phạm tải trọng không, mức độ thế nào.
Theo quy trình, hằng ngày, người của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP HCM sẽ truy cập hệ thống kiểm soát tải trọng xe tìm kiếm, trích xuất phiếu cân những xe vượt quá tải trọng, mức vi phạm và chuyển hồ sơ đề nghị xử phạt cho Thanh tra Sở GTVT.
Khi nhận được hồ sơ, Thanh tra Sở GTVT xác minh thông tin, lập hồ sơ xử lý và gửi thông báo đến chủ xe. Nếu quá thời hạn giải quyết mà chủ xe chưa đến, đơn vị xử lý gửi thông báo tới cơ quan đăng kiểm đưa vào diện cảnh báo liên quan vi phạm hành chính.
Ông Lê Văn Thường, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, cho hay hiện nay, công tác xử phạt xe quá tải trên địa bàn TP HCM gặp một số khó khăn. Cụ thể như lực lượng kiểm tra, chốt trực tại các trạm cân còn quá mỏng, trong khi 7 trạm cân rải đều các cửa ngõ, hoạt động 24/24 giờ cả 7 ngày trong tuần. Ngoài ra, lực lượng thanh tra không có thẩm quyền truy đuổi khi phương tiện vi phạm bỏ chạy, một số chủ phương tiện thường cự cãi, gây rối, không chấp hành xử lý vi phạm...
Việc phạt nguội sẽ không cần áp dụng 2 cấp cân. Hệ thống cân cảm biến với độ chính xác cao sẽ giúp xác định rõ phương tiện quá tải, qua đó tăng hiệu quả xử lý.
"Với quy trình chặt chẽ, xử lý xe quá tải sẽ thuận lợi hơn. Quá trình xử lý, người dân nếu không đồng ý kết quả có thể khiếu nại theo quy định pháp luật. Hiện nay, Thanh tra Sở GTVT đang xây dựng kế hoạch triển khai phạt nguội để trình Sở GTVT thông qua, thực hiện trong thời gian tới" - ông Lê Văn Thường thông tin.
Nên thực hiện sớm
Nói về áp dụng phạt nguội xe quá tải, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, nhận xét rất cần thiết và nên thực hiện sớm.
Theo ông Quản, sau dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp vận tải rơi vào cảnh khó khăn vì thiếu đơn hàng. Ngoài ra, việc "chật vật" tại các trung tâm đăng kiểm càng khiến doanh nghiệp rơi vào kiệt quệ.
"Một trong những bất công hiện nay là phương tiện chở đúng tải không thể cạnh tranh giá thành với phương tiện chở quá tải, điều này không chỉ tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh mà còn gây hệ lụy xấu cho xã hội khi nhiều chủ phương tiện vì chén cơm phải bất chấp. Do đó, việc phạt nguội cần áp dụng sớm để nâng cao hiệu quả xử lý, không chỉ 3 trạm cân nói trên mà thành phố cần sớm nhân rộng ra các trạm cân đặt tại các cửa ngõ của thành phố" - ông Quản đề xuất.
Là chủ doanh nghiệp vận tải hàng hóa từ TP HCM đi các tỉnh miền Tây, ông Trần Quốc Hùng (quận 6) tán đồng việc phạt nguội. Ông Hùng cũng cho rằng một số chủ doanh nghiệp bằng nhiều cách luồn lách qua mặt các trạm kiểm tra tải trọng. Vì hàng chở nhiều lại thoát phạt, họ đưa ra mức giá thấp, vô hình trung "đè chết" các doanh nghiệp làm ăn lành mạnh. "Thực tế này rất khó nói. Do đó, nếu phạt nguội thì giấy trắng mực đen rõ ràng, không ai còn có thể lăn tăn đoán này tính nọ" - ông Hùng nói.
Về phía người dân, bà Trần Thị Tân, nhà ở quận 12, cho hay hằng ngày bà đi từ cầu Tân Thới Hiệp tới chỗ làm gần Ngã tư Ga chỉ vài ki-lô-mét nhưng rất căng thẳng vì lâu lâu lại có đơn vị dựng rào chắn sửa đường khiến ùn ứ. Đường sửa xong thì mấp mô, nham nhở. Bà Tân quả quyết phiền toái và nguy hiểm này có sự góp phần của những phương tiện bất chấp quy định tải trọng. Nếu phạt nguội, làm đúng, xử nghiêm thì nhà nước bớt kinh phí sửa chữa và người dân được an toàn hơn.
Hàng ngàn phương tiện vi phạm
Thông qua hệ thống các trạm cân kiểm tra tải trọng trên địa bàn TP HCM, giai đoạn 2016-2021, Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra 7.544 lượt xe. Qua đó, phát hiện và lập biên bản 6.166 trường hợp đối với 3.150 phương tiện vi phạm về chở hàng quá tải trọng cho phép với số tiền gần 80 tỉ đồng.
Trong năm 2021, Thanh tra Sở GTVT TP HCM đã kiểm tra 2.963 phương tiện, lập biên bản 1.106 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 17 tỉ đồng.
Riêng từ ngày 1-1-2023 đến nay, cơ quan chức năng lập biên bản hơn 200 trường hợp vi phạm, với số tiền xử phạt trên 10 tỉ đồng.