A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi

Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu trình Chính phủ nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi để bảo đảm tương quan chính sách với các đối tượng khác

Nội dung này được nêu tại Nghị quyết số 124/NQ-CP trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2023.

 

Theo Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu trình Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết trợ cấp xã hội, hưu trí xã hội đối với người cao tuổi từ 75 - 80; nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, bảo đảm tương quan chính sách với các đối tượng khác. Theo quy định tại Luật Người cao tuổi, người cao tuổi được xác định là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

Bộ LĐ-TB-XH đánh giá, công tác người cao tuổi vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc. Nhiều người cao tuổi còn có hoàn cảnh khó khăn. Có 5% người cao tuổi chưa có BHYT theo quy định, nhiều người cao tuổi còn đang sống trong nhà tạm, dột nát… mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi thấp, chỉ bằng 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Nghị định số 27/2021/NĐ-CP quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, chuẩn nghèo nông thôn có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống; thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi - Ảnh 2.

Nhiều người cao tuổi còn có hoàn cảnh khó khăn Ảnh: Thạch Thảo

Các dịch vụ xã hội cơ bản để đo lường nghèo đa chiều bao gồm: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; BHYT; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Cũng theo Bộ LĐTBXH, hiện các dịch vụ trợ giúp xã hội, chăm sóc y tế, văn hóa, rèn luyện thể chất, chăm sóc xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu đối với người cao tuổi, đặc biệt tại các thành phố lớn, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; nguồn lực thực hiện công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi tại một số địa phương còn khó khăn.

Để góp phần cải thiện đời sống cho người cao tuổi, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất tăng mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng bằng 500.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được cấp thẻ BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT.

Cũng tại Nghị quyết 124, Chính phủ cũng giao Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật đồng thời chỉ đạo chi trả qua tài khoản cho 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã có tài khoản (đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money...) từ ngân sách Nhà nước, bảo đảm chính xác, nhanh chóng, kịp thời; hoàn thành trong tháng 9-2023.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH cũng được giao chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất tiêu chí xác định "người lao động có thu nhập thấp" để thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề và xem xét hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn các huyện nghèo từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...