A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở rộng đối tượng có quyền gia nhập Công đoàn từ 1.7.2025

Luật Công đoàn 2024 mở rộng quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn cho người “làm việc không có quan hệ lao động” tại Điều 5.

Mở rộng đối tượng có quyền gia nhập Công đoàn từ 1.7.2025

Khoản 1 Điều 5 Luật Công đoàn 2024 quy định: Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Ảnh minh họa: Bảo Hân

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, Luật Công đoàn 2012 quy định, chỉ những người lao động “làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” mới có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

Luật Công đoàn 2024 (có hiệu lực từ 1.7.2025) được sửa đổi theo hướng mở rộng cho cả những người “làm việc không có quan hệ lao động” có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn bằng việc quy định “Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn” tại Khoản 1 Điều 5.

Đồng thời, bổ sung và luật hóa khái niệm “nghiệp đoàn cơ sở” tại Khoản 3 Điều 4. Giải thích từ ngữ. Theo đó, nghiệp đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, tập hợp những người làm việc không có quan hệ lao động, cùng ngành, cùng nghề hoặc những người lao động đặc thù khác.

Ông Lê Đình Quảng cho biết, luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động, tương thích, đồng bộ với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của một số đạo luật mới được ban hành như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động… phù hợp định hướng chỉ đạo của Đảng về phát triển đoàn viên công đoàn trong tình hình mới với phương châm “ở đâu có người lao động, ở đó có Công đoàn”.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm sự bình đẳng về quyền công đoàn giữa lao động là người Việt Nam và lao động là người nước ngoài, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Khoản 2 Điều 5 Luật Công đoàn 2024 quy định: “Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở” (không có quyền thành lập). Đồng thời, Luật quy định “Cán bộ công đoàn” phải “là công dân Việt Nam” (Khoản 5 Điều 4).

Như vậy, Luật Công đoàn 2024 đã quy định những nội dung mang tính nguyên tắc về điều kiện, quyền gia nhập Công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài.

Theo đó, “người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam” phải bảo đảm điều kiện “làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên” và chỉ gia nhập, hoạt động công đoàn “tại công đoàn cơ sở”.

Ông Lê Đình Quảng cho biết, việc gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài sẽ được quy định cụ thể tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Ngoài ra, khi người lao động là công dân nước ngoài gia nhập Công đoàn thì có quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn, nhưng không được ứng cử, nhận đề cử làm cán bộ công đoàn và chỉ hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...