LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI): Phải tạo niềm tin cho người lao động
Chế độ hưu trí cần được cải thiện nhằm thu hút người lao động tham gia BHXH lâu dài, từ đó hạn chế rút BHXH một lần
Tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do Trường ĐH Luật TP HCM tổ chức sáng 16-11, ông Nguyễn Tất Năm, nguyên Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, cho rằng khi đánh giá kết quả thực hiện điều 60 Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết 93/2015/QH13 về giải quyết BHXH một lần, Bộ LĐ-TB-XH đã chỉ ra rất nhiều lý do khiến số người rút BHXH một lần tăng nhanh.
Mức lương đóng BHXH quá thấp
Theo ông Năm, dù tỉ lệ đóng BHXH ở Việt Nam ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực, nhưng thực tế mức lương đóng BHXH thấp, chỉ quanh quẩn ở mức lương tối thiểu (LTT) vùng (hiện tại vùng cao nhất (vùng 1) chỉ 4.680.000 đồng/người/tháng). Do vậy, nếu một NLĐ tham gia BHXH nghỉ hưu khi đạt mức hưởng tối đa 75% thì tiền lương hưu nhận được có thể chưa đến 3 triệu đồng/tháng, nên không đủ hấp dẫn NLĐ.
Người lao động làm thủ tục tại BHXH TP HCM
Lý giải lương hưu thấp, ông Năm chia sẻ dù Bộ Luật Lao động năm 2019 đã quy định rõ tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Nhưng các doanh nghiệp (DN) lại chia nhỏ tiền lương, quy vào các khoản trợ cấp, phụ cấp không phải đóng BHXH để giảm chi phí đóng BHXH. Trong khi đó, khâu kiểm tra việc đóng BHXH của DN cho NLĐ của các cơ quan chức năng chưa tốt khi chỉ xem xét đến tiêu chí mức lương đóng BHXH có trên mức LTT vùng hay không.
"Việc lựa chọn 1 trong 2 phương án rút BHXH một lần mà dự thảo Luật BHXH đề xuất chỉ giải quyết được phần ngọn nhưng chưa giải quyết được cái gốc. Đó là phải cải thiện tiền lương đóng BHXH để tăng mức lương hưu nhằm thu hút NLĐ tham gia lâu dài. Theo đó, nên quy định mức lương đóng BHXH gồm tiền lương và các thu nhập gắn với lương, ngoại trừ một vài khoản phụ cấp (được quy định rõ)" - ông Năm đề xuất.
Cùng góc nhìn, bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết có rất nhiều DN trả các khoản phụ cấp cao gấp 3 lần tiền lương. Nhiều kỹ sư công nghệ thông tin hưởng lương vài chục triệu đồng mỗi tháng nhưng mức đóng BHXH chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Với mức đóng ấy, khi đóng BHXH hơn 30 năm, NLĐ chỉ nhận mức lương hưu chưa bằng LTT vùng nên không mặn mà và chọn rút "1 cục".
Theo bà Yến, để hấp dẫn NLĐ, mức lương hưu thấp nhất phải nên bằng mức LTT vùng. Để đạt được điều này cần điều chỉnh quy định về căn cứ tiền lương đóng BHXH gồm lương và phụ cấp, không bao gồm tiền lương làm thêm giờ và tiền thưởng. Bên cạnh đó, song song với việc tăng tuổi nghỉ hưu, nên có chính sách ưu đãi với những người tham gia BHXH sớm, lâu dài. Chẳng hạn, NLĐ có thời gian đóng BHXH đạt mức hưởng hưu tối đa 75% và bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên nếu nghỉ hưu trước tuổi vẫn được hưởng mức tối đa, không bị từ tỉ lệ hưởng; với số năm đóng dư sau khi đạt mức hưởng tối đa sẽ được chi trả 2 tháng lương tương ứng với mỗi năm đóng dư...
Để người lao động tự quyết
Tại hội thảo, 2 phương án BHXH một lần cũng được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý.
Ông Trần Ngọc Vân, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bình Dương, cho biết hiện Bình Dương có khoảng 90.000 lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp và đây cũng là số lao động có khả năng rút BHXH một lần khi đủ 12 tháng nghỉ việc.
Bên cạnh đó, hiện cũng có rất nhiều NLĐ đang có ý định nghỉ việc để rút BHXH một lần nhằm tránh tác động của Luật BHXH mới, trong khi đó, nhiều DN không tuyển ra người, nhất là NLĐ có tay nghề. Tình trạng này gây ra làn sóng thất nghiệp ảo, gây lãng phí nguồn lực và lực lượng lao động khu vực phi chính thức tăng cao nhưng không bảo đảm an sinh.
"Một khi NLĐ đã muốn rút BHXH một lần thì dù chọn phương án nào họ cũng sẽ tìm cách để rút. Việc NLĐ chọn rút BHXH một lần không phải là do không hiểu chính sách mà họ có tính toán riêng và chọn cách được cho là có lợi nhất cho mình. Do vậy, phương án tối ưu không phải là hạn chế thời gian rút mà khuyến khích NLĐ tham gia BHXH lâu dài bằng cách khi đến tuổi nghỉ hưu cho họ được lựa chọn rút 1 lần hoặc hưởng lương hưu. Khi đó, NLĐ sẽ an tâm hơn và không nghỉ đến việc rút BHXH một lần nữa" - ông Vân nói.
Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, hiện nay, không chỉ lao động phổ thông mà lao động có trình độ cao hay làm công tác quản lý cũng có ý định rút BHXH một lần Tại Công ty TNHH Intel Products Việt Nam có 8% là lao động có trình độ 12/12, số còn lại có trình độ trung cấp trở lên. Song, nếu Quốc hội lựa chọn thực hiện phương án 2 về rút BHXH một lần (NLĐ được rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng sau 1 năm nghỉ việc, thời gian còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia hưởng chế độ BHXH) thì nhiều NLĐ sẽ xin nghỉ việc để rút BHXH một lần. Điều này khiến DN tổn thất về lao động và nếu nhà nước không có giải pháp hỗ trợ DN bù đắp sự thiếu hụt này rất có thể nhiều DN FDI sẽ chuyển hướng đầu tư qua các quốc gia khác.
Do vậy, bà Yến cho rằng nên để NLĐ tự lựa chọn, nhiệm vụ của những người làm chính sách là cải thiện chế độ BHXH và làm cho NLĐ thay đổi nhận thức về chính sách, khi đó không cần vận động NLĐ cũng sẽ gắn bó với hệ thống an sinh.
10 tháng, gần 1 triệu lao động rút BHXH một lần
Bộ LĐ-TB-XH cho biết 10 tháng đầu năm 2023, số người rút BHXH 1 lần là 947.322 người, tăng 31,38% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm khoảng 5% tổng số người tham gia BHXH. Nguyên nhân chủ yếu là do DN gặp nhiều khó khăn, dẫn đến NLĐ thiếu việc làm, mất việc làm tăng, trong khi nhiều NLĐ khả năng tích lũy không nhiều, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn nên họ phải rút tiền ra để chi tiêu, trang trải cuộc sống.
Hiện tổng số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khoảng 14.650 tỉ đồng, chiếm 3,05% số phải thu, giảm 0,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số tiền chậm đóng BHXH, BHTN tại các đơn vị không có khả năng thu hồi là 4.164 tỉ đồng. Nguyên nhân được Bộ LĐ-TB-XH chỉ ra là do những năm gần đây, DN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, dẫn tới khó khăn trong việc đóng BHXH, BHTN cho NLĐ. Cạnh đó là ý thức tuân thủ pháp luật của đơn vị sử dụng lao động chưa cao, thiếu quan tâm đến quyền lợi của NLĐ. Cùng với đó là các quy định về chế tài xử lý hành vi nợ BHXH, BHTN chưa đủ sức răn đe như Bộ Luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với các DN chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN.
N.Tú