A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng yêu cầu đề xuất giải pháp hạn chế tình trạng rút BHXH một lần

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất giải pháp hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, đồng thời tạo điều kiện cho người đã rút BHXH một lần quay trở lại đóng tiếp.

Văn phòng Chính phủ có Công văn 8868/VPCP-QHĐP ngày 13/11/2023 thực hiện Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 9/2023, trong đó, truyền đạt nhiều chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ.

Đề xuất giải pháp hạn chế rút BHXH một lần

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp để hạn chế tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, tự ý cắt giảm lao động, người lao động đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần;

Đồng thời có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để người lao động đã giải quyết chế độ BHXH một lần quay trở lại đóng BHXH; nghiên cứu, bổ sung quy định về trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động để hạn chế việc trục lợi hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu đề xuất giải pháp hạn chế tình trạng rút BHXH một lần - Ảnh 1.

Như vậy, trước làn sóng rút BHXH một lần tăng mạnh, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất giải pháp hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, đồng thời tạo điều kiện cho người đã rút BHXH một lần quay trở lại đóng tiếp.

2 phương án rút BHXH một lần theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi

Để giảm tình trạng rút BHXH một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật BHXH đề xuất 02 phương án rút BHXH một lần như sau:

Phương án 1: Quy định việc rút BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau:

- Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

- Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1-7-2025) thì không được nhận BHXH một lần.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Những thiệt thòi khi NLĐ lựa chọn rút BHXH một lần

- Khi rút BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có điều kiện vật chất đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già, không có cơ hội ổn định cuộc sống. Đặc biệt là sẽ mất đi quyền lợi được cấp thẻ BHYT miễn phí để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, trong khi ở độ tuổi này thường xuyên đau ốm; mất đi chế độ tử tuất như tiền mai táng phí, trợ cấp tuất một lần, thậm chí là các suất tuất hàng tháng (cho con dưới 18 tuổi, vợ/chồng, bố mẹ hết tuổi lao động theo quy định). Việc NLĐ nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ tự tước bỏ quyền được đảm bảo an sinh xã hội của bản thân, tự rời khỏi hệ thống an sinh xã hội.

- NLĐ nhận BHXH một lần sẽ phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn. Với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương; trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, NLĐ sẽ bị thiệt khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014. Nếu so sánh với việc tích lũy thời gian để hưởng lương hưu, thì thiệt thòi là không tính hết được.

 

- Không được cộng nối thời gian tham gia BHXH. Khi NLĐ đã nhận BHXH một lần, nếu tiếp tục quay lại tham gia BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH trước đó, dẫn đến NLĐ có thể không đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động hoặc nếu đủ điều kiện thì mức lương hưu cũng không cao. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...