A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lừa đảo làm việc kiểu mới (*): Cần xử lý nghiêm!

Việc lợi dụng các thương hiệu uy tín để lừa đảo việc làm bằng công nghệ cao được các cơ quan chức năng cảnh báo và đang vào cuộc truy quét

Trên các số báo trước, Báo Người Lao Động đã phản ánh về tình trạng lừa đảo việc làm kiểu mới bằng hình thức tuyển cộng tác viên mua bán hàng online rồi chiếm đoạt tiền. Các đối tượng lừa đảo nhắm tới những người đang gặp khó khăn về việc làm, người thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Liên tục cảnh báo

Không chỉ lừa người Việt, mới đây nhất, vào cuối tháng 2, anh Frances Summer Dale (20 tuổi, quốc tịch Philippines, ngụ TP Đà Nẵng) nhận được lời mời từ đối tượng trên mạng xã hội Instagram về việc làm đại lý bán hàng cho Lazada. Anh Frances đồng ý làm cộng tác viên bán hàng và vào các đường link do đối tượng lừa đảo cung cấp để thanh toán chuyển gần 220 triệu đồng và bị chiếm đoạt.

Thời gian qua, lực lượng công an đã triệt phá nhiều vụ án, khởi tố nhiều đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Tuy nhiên, số vụ lừa đảo việc làm online bằng các hình thức khác nhau vẫn còn nhiều. Các đối tượng lừa đảo vẫn ngày đêm chèo kéo, mời chào trên không gian mạng.

Không khó để có thể bắt gặp những tin tức tuyển dụng cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội với mức chiết khấu hậu hĩnh. Những đối tượng này thực hiện hành vi rất công phu, qua nhiều công đoạn, thủ đoạn và có tổ chức. Những chiêu trò lừa đảo này được thực hiện ở các tỉnh, thành phố khác nhau thông qua tốc độ lan truyền, phổ biến rộng rãi của phương tiện thông tin đại chúng và chủ yếu đánh lừa những người nhẹ dạ, cả tin.

LỪA ĐẢO VIỆC LÀM KIỂU MỚI (*): Cần xử lý nghiêm! - Ảnh 1.

Tham gia các sàn giao dịch việc làm là cách tìm việc an toàn Ảnh: NHƯ HUỲNH

Đại diện pháp lý của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn tại Việt Nam gồm: Shopee, Tiki, Lazada, Sendo... cho biết họ không liên kết với bất cứ bên thứ 3 nào để tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên sàn của mình. Nhiều người dùng nêu cao cảnh giác bằng cách cảnh báo cho các sàn TMĐT nên trên cổng thông tin của mình, các sàn này liên tục phát đi nhiều cảnh báo những hình thức giả mạo sàn để đăng tuyển dụng cộng tác viên bán hàng online nhằm chiếm đoạt tài sản của người tìm việc. Các đối tượng tự nhận là nhân viên của các sàn TMĐT trên hỗ trợ đổi trả hàng, lừa khách bấm vào link giả mạo rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản; gửi tin nhắn giả mạo có kèm đường liên kết lừa đảo và yêu cầu khách khai báo thông tin cá nhân; lừa đảo thông báo trúng thưởng rồi yêu cầu người nhận trả thêm phí vận chuyển hoặc hỗ trợ.

Nhận được nhiều phản ánh, đơn tố giác tội phạm của người dân, Công an TP HCM cũng phát đi cảnh báo có nhiều đối tượng mạo danh các sàn TMĐT nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Hình thức phổ biến nhất là lừa đảo mua hàng để được nhận hoa hồng. Công an TP HCM khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền cho người thân, bạn bè về phương thức thủ đoạn mới nêu trên của tội phạm, tránh mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo. Người dân cần thận trọng, tìm hiểu kỹ các thông tin, chương trình khuyến mãi trước khi nhấn vào đường link tham gia. Đặc biệt, người dân cần cẩn trọng trước các yêu cầu điền thông tin tài khoản ngân hàng, số căn cước công dân, số điện thoại, nhất là mã OTP từ ngân hàng, để tránh bị chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng mà mình đang có.

Sập bẫy do thiếu cảnh giác

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Luật Đắc Nhân Tâm (quận 7, TP HCM), nhận định 2 vấn đề mấu chốt dẫn đến tình trạng lừa đảo này vẫn tiếp diễn. Đó là các đối tượng lừa đảo dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, đa dạng khiến "con mồi" không thể ngờ tới qua sự giúp sức của công nghệ cao và trong xã hội ngày càng có nhiều người mang tâm lý thích "ngồi mát ăn bát vàng", thiếu cảnh giác nên dễ bị lừa.

Theo luật sư Tâm, người dân cần hết sức cảnh giác khi tìm kiếm công việc liên quan đến kinh doanh online. Khi làm cộng tác viên kinh doanh online, cần tìm hiểu công ty, doanh nghiệp mình cộng tác. Khi đặt mua hàng hóa, làm cộng tác viên cho các doanh nghiệp, tổ chức, cần kiểm tra rõ thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp để có thông tin chính xác. Đặc biệt, cần tỉnh táo, hạn chế giao hàng với số lượng lớn cho những khách lần đầu đặt hàng. "Trong tình hình dịch bệnh, kinh tế gia đình đang ở giai đoạn khó khăn nên ai cũng muốn làm thêm, kiếm thêm thu nhập. Lợi dụng sự khó khăn này để lừa đảo là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây mất an toàn an ninh và trật tự xã hội. Do đó, cần phải có những biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội để bảo đảm an ninh và duy trì trật tự xã hội, loại bỏ tội phạm ra khỏi đời sống người dân" - luật sư Tâm bày tỏ. Về chế tài xử lý, luật sư Tâm cho biết theo quy định tại điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, đối tượng thực hiện hành vi nêu trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". 

Nhận diện lừa đảo tuyển dụng trực tuyến

CareerBuilder - chuyên trang tuyển dụng trực tuyến - vừa cảnh báo, đưa ra một số điểm bất thường giúp người lao động tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo. Theo đó, người lao động cần tỉnh táo trước những mẩu tin tuyển dụng hấp dẫn và yêu cầu thu phí bất thường. Hiện nay, hình thức lừa đảo của các đối tượng xấu ngày càng đa dạng và khó lường như: Không cần bằng cấp, thu nhập cao không giới hạn, việc nhẹ tại nhà phù hợp mẹ bỉm sữa, người muốn tăng thu nhập... khiến những người tìm việc dễ dàng bị dẫn dắt. Các đối tượng xấu sẽ vẽ ra một công việc như mơ, từ đó yêu cầu người tìm việc phải nộp phí đặt cọc, phí giữ chỗ hay phí bảo lãnh để đăng ký làm việc. Điều đó đang đi ngược lại với những nhà tuyển dụng uy tín hiện nay. Hầu hết các nhà tuyển dụng không thu phí hoặc yêu cầu ứng viên đặt cọc, giữ chỗ dưới bất kỳ hình thức thu tiền nào khác. Đây là hình thức lừa đảo đặc trưng nhất mà người tìm việc nên sớm nhận biết.

Người lao động cần tỉnh táo trước thông tin người tuyển dụng mập mờ, không đồng nhất. Để xây dựng và tăng độ tin cậy đối với người tìm việc, một số đối tượng còn lập tài khoản cá nhân, fanpage mạo danh hoặc giả mạo thông tin chuyên trang tuyển dụng hoặc các công ty, tập đoàn quy mô lớn nhằm bẫy con mồi, gửi thông tin trực tiếp qua tin nhắn riêng cho người tìm việc. Người lao động tuyệt đối cảnh giác với các tin tuyển dụng qua tin nhắn riêng, không nhận lời gặp gỡ hay hẹn phỏng vấn riêng tại quán cà phê, quán ăn hay địa chỉ không phải là trụ sở công ty.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-3


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...