A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội lại bàn chuyện hạn chế phương tiện cá nhân

Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân là một trong những mục tiêu Hà Nội hướng đến nhằm giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường trong nội đô của thành phố. Tuy nhiên, giao thông công cộng vừa yếu, vừa thiếu như hiện nay thì rất khó có thể hạn chế phương tiện cá nhân.

Hà Nội lại bàn chuyện hạn chế phương tiện cá nhân

Hà Nội hiện có hơn 6 triệu phương tiện là xe máy. Ảnh: Phạm Đông

Không nên nóng vội hạn chế phương tiện cá nhân

Mới đây, Đoàn giám sát của Ban Đô thị (HĐND TP Hà Nội) đã tiến hành làm việc với Tổng Công ty vận tải Hà Nội về tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn thành phố. Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Đô thị Đàm Văn Huân đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải (GTVT) làm rõ quá trình thực hiện đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực; giải pháp trọng tâm, căn cơ lâu dài để giảm phát sinh khí thải giao thông gây ô nhiễm môi trường ở một số quận nội đô.

Theo báo cáo của Sở GVVT, tính đến ngày 14.2, đơn vị quản lý tổng số 7.860.151 phương tiện (trong đó: 1.073.518 ôtô, 6.602.162 môtô, 184.471 xe máy điện). Trong khi đó, hiện nay, tỉ lệ đáp ứng nhu cầu của vận tải hành khách công cộng còn thấp, chưa đảm bảo chỉ tiêu đề ra. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông dịch vụ hỗ trợ cho các loại hình vận tải hành khách chưa được quan tâm đúng mức. Việc kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng còn hạn chế.

Xe buýt của Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Ảnh: Phạm Đông

Xe buýt của Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Ảnh: Phạm Đông 

Theo đoàn giám sát, hiện không khí ô nhiễm ảnh hưởng phần lớn do xe máy, HĐND thành phố cũng có nghị quyết với lộ trình đến 2030 không còn xe máy lưu hành ở khu vực nội thành. Với đề án hạn chế phương tiện cá nhân, đoàn giám sát đề nghị Sở GTVT nghiên cứu đưa ra giải pháp phù hợp, không đợi đến khi đủ tỉ lệ giao thông công cộng mới làm mà có thể làm theo phân vùng.

Ngày 26.3, trao đổi với Lao Động về vấn đề này, chuyên gia giao thông, TS Vũ Anh Tuấn (Trường Đại học GTVT) cho rằng, việc hạn chế xe cá nhân phải dựa trên cơ sở khoa học, nghiên cứu, đánh giá về giải pháp hay chính sách định áp dụng, để đưa ra các quyết định. Không nên đưa ra quyết định một cách cảm tính. Việc này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải có những bộ giải pháp công cụ mang tính chất đồng bộ, đánh giá được tác động của việc thực thi chính sách. 

Theo TS Vũ Anh Tuấn, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, việc hạn chế cá nhân chỉ áp dụng được khi phát triển các phương tiện vận tải công cộng. “Khi vận tải công cộng còn kém, việc hạn chế xe máy là bất khả thi. Vấn đề của Hà Nội không phải là làm quy hoạch ra sao, mà là thực hiện quy hoạch như thế nào?” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Cấm đoán không thể mang lại hiệu quả

Còn TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho biết, lâu nay Hà Nội đề ra đề án phân vùng khá nhiều, nhưng kết quả không khả thi. Do vậy, việc hạn chế xe cá nhân phân theo vùng khi chưa đủ tỉ lệ phương tiện công cộng lại càng không thể thực hiện được.

"Muốn làm có hiệu quả, lâu dài thì trước hết giao thông công cộng phải tốt lên. Xe buýt không chạy đúng giờ, đường sắt đô thị làm quá chậm, chỉ có tuyến Cát Linh - Hà Đông đơn độc thì làm sao người dân đi nhiều được. Đặc biệt, giao thông công cộng chưa có tính kết nối, hạ tầng còn yếu kém. Vì vậy, cần phải phát triển giao thông công cộng, xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, tổ chức lại giao thông tốt hơn, kết hợp với điều hành, sử dụng giao thông thông minh... mới hạn chế được phương tiện cá nhân" - TS Khương Kim Tạo nhấn mạnh.

Còn chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, phân vùng hạn chế xe cá nhân sẽ không công bằng, bởi hiện tại mỗi người ở mỗi vùng khác nhau, sẽ gây ra mâu thuẫn. Xuất phát từ tình hình giao thông, có thể hạn chế xe cá nhân trên các tuyến đường hoặc trên những chỗ, vùng cần hạn chế. "Vì tính chất giao thông giống như mạch máu, bây giờ lại bảo đoạn mạch máu này không được hoạt động nữa thì sao được. Giờ bảo cấm thì thật sự rất khó" - ông Thủy nói.

Ngoài ra, các vấn đề cần giải quyết khi cấm xe máy của Hà Nội là: Đặc điểm ngõ, ngách rất dài, dích dắc nên xe buýt không thể vào sâu; đất dành cho giao thông cũng như giao thông công cộng tại các quận trung tâm rất thiếu, đó là điều cần phải tính đến.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết