A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa kiến thức pháp luật đến công nhân

Công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý ở TP HCM được các cấp Công đoàn đẩy mạnh với hình thức đa dạng, giúp người lao động nâng cao kiến thức để bảo vệ bản thân

Trước nhu cầu tư vấn pháp luật trong đoàn viên - lao động ngày càng lớn, LĐLĐ huyện Bình Chánh, TP HCM vừa ra mắt mô hình "Tư vấn pháp luật online", vận hành trên ứng dụng Zalo. Sau hơn một tháng triển khai, mô hình này được nhiều người lao động (NLĐ) biết đến, giúp nâng cao hiệu quả công tác đại diện của tổ chức Công đoàn.

Thuận tiện, hiệu quả

Khi triển khai mô hình, LĐLĐ huyện Bình Chánh đã cung cấp mã QR truy cập để Công đoàn cơ sở phổ biến đến toàn bộ NLĐ tại đơn vị, doanh nghiệp (DN). NLĐ chỉ cần gửi thắc mắc kèm thông tin cá nhân; sau khi tiếp nhận, quản trị viên của trang sẽ chuyển đến từng bộ phận liên quan để giải đáp và phản hồi trong thời gian sớm nhất.

Công nhân Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên được các luật sư tư vấn về chính sách BHXH. Ảnh: THANH NGA

Công nhân Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên được các luật sư tư vấn về chính sách BHXH. .Ảnh: THANH NGA

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh, cho biết với câu hỏi đơn giản, cơ quan này sẽ tư vấn ngay trong ngày. Còn với câu hỏi có độ khó cao, LĐLĐ huyện sẽ phối hợp với các đơn vị giải đáp cho đoàn viên - lao động.

Lợi ích của mô hình này là CNVC-LĐ có thể ở tại chỗ vẫn được tư vấn, hỗ trợ miễn phí mà không cần trực tiếp đến trụ sở LĐLĐ huyện. Đến hết tháng 6-2024, LĐLĐ huyện đã tiếp nhận, tư vấn 47 trường hợp, chủ yếu về lĩnh vực BHXH, lao động, tiền lương, an toàn - vệ sinh lao động…

Do hoàn cảnh khó khăn, anh Phạm Quốc Hải, công nhân (CN) Công ty CP Seedcom Fashion Group (huyện Bình Chánh), có ý định rút BHXH một lần. Do kiến thức còn hạn hẹp nên anh chủ động liên hệ kênh tư vấn pháp luật online của LĐLĐ huyện để được hỗ trợ.

"Chỉ 1 giờ sau khi gửi câu hỏi, thắc mắc của tôi đã được giải đáp cặn kẽ. Mô hình này rất hiệu quả, nhất là trong trường hợp CN thắc mắc về chính sách mà không biết hỏi ai" - anh Hải nhận xét.

Tại quận 1, thông qua các kênh như trang tin điện tử, thư điện tử, nhóm chat Zalo, Viber…, LĐLĐ quận đã nhanh chóng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên - lao động; kịp thời tổng hợp, phản ánh đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để giải quyết.

Ông Huỳnh Vĩnh Lâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 1, cho hay: "Mỗi ngày, hàng ngàn NLĐ đã tra cứu thông tin trên trang tin điện tử và Facebook Công đoàn quận 1. Phần lớn NLĐ có trình độ, hiểu biết nên việc tuyên truyền pháp luật phải chỉn chu. Nhờ tận dụng công nghệ, nhất là các trang mạng xã hội, nên việc cập nhật kiến thức, giải đáp thắc mắc về chính sách cho NLĐ thuận tiện và hiệu quả hơn".

Giải tỏa lo lắng

Trước đây, khi dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến, nhiều thông tin chưa chính xác được lan truyền khiến không ít NLĐ hiểu sai về chính sách BHXH. Tại nhiều DN, CN còn rủ nhau nghỉ việc để "chạy luật".

Để ngăn chặn tình trạng này, LĐLĐ quận 6 đã kết nối với Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM và BHXH quận cùng các luật sư, luật gia có uy tín đến DN tuyên truyền, tư vấn luật cho CN. Mới đây, LĐLĐ quận đã tổ chức tư vấn, tuyên truyền về chính sách BHXH, trong đó có BHXH một lần, cho hàng trăm CN Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên. Các thắc mắc liên quan những thay đổi về chính sách BHXH một lần, điều kiện hưởng lương hưu… của NLĐ đã được giải đáp, giúp họ tiếp cận thông tin chính thống.

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, CN Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên, cho biết trước đây, nhiều NLĐ tại khu chị trọ truyền tai nhau về việc từ năm 2025 sẽ không được rút BHXH một lần. Dù không có ý định rút BHXH nhưng chị rất hoang mang.

"Tôi không biết nếu không rút BHXH thì khoản tiền mình đóng sẽ như thế nào. Khi được tư vấn, tôi đã hiểu rõ quyền lợi của mình nên rất an tâm" - chị Hồng nhớ lại.

Không chỉ đến tận công ty để tuyên truyền, LĐLĐ quận 6 còn thành lập các tổ tư vấn pháp luật tại những DN có đông CN như: Công ty TNHH May thêu Thuận Phương, Công ty CP Dịch vụ bảo vệ Nam Thiên Long...

Trong khi đó, là địa phương có đông lao động ngoại tỉnh, LĐLĐ TP Thủ Đức đã sớm thành lập tổ CN tự quản tại các khu nhà trọ. Đây được xem là cánh tay nối dài, giúp LĐLĐ TP Thủ Đức nắm bắt thông tin, triển khai các hoạt động tuyên truyền pháp luật cho NLĐ. Hằng tuần, LĐLĐ TP Thủ Đức tổ chức các sân chơi tại tổ CN tự quản và kết hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền kỹ năng phòng chống tội phạm, phòng cháy chữa cháy, pháp luật lao động...

Đến nay, trên địa bàn TP Thủ Đức đã có gần 332 tổ CN tự quản về an ninh trật tự với 2.500 thành viên và hơn 27.000 CN ở trọ. Mô hình tổ CN tự quản ngày càng phát triển, được nhiều NLĐ ở trọ tích cực tham gia, qua đó nâng cao kiến thức pháp luật đồng thời bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. 

Luật sư PHAN THỊ LAN - Đoàn Luật sư TP HCM: Hiểu luật để tự bảo vệ mình

Nhiều năm đồng hành với tổ chức Công đoàn trong việc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho NLĐ, tôi nhận thấy đến nay, vẫn còn rất nhiều người hiểu biết hạn chế về pháp luật lao động. Kiến thức pháp luật hạn chế không chỉ khiến họ bị thiệt thòi quyền lợi mà còn mất đi ưu thế nếu cần khởi kiện ra tòa. Do vậy, việc tăng cường tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho NLĐ là rất cần thiết, giúp họ tự bảo vệ mình khi bị vi phạm quyền lợi.

 


Tác giả: NHÓM PHÓNG VIÊN
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...