A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng Nai vào cuộc xử lí doanh nghiệp gây ô nhiễm sông Buông

Sông Buông dài hơn 52 km, đi qua TP Long Khánh, huyện Trảng Bom và TP Biên Hòa, là con sông nội tỉnh dài nhất của tỉnh Đồng Nai có nhiệm vụ cung cấp nước, tiêu thoát nước chống ngập cho nhiều địa bàn nhưng thời gian qua đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do tình trạng rửa cát, đá rồi xả thẳng nước thải xuống sông. Lo ngại hơn, nguồn nước sông Buông cũng chảy thẳng ra sông Đồng Nai.

Đồng Nai vào cuộc xử lí doanh nghiệp gây ô nhiễm sông Buông

Ô nhiễm từ việc khai thác đá ven sông Buông. Ảnh: Hà Anh Chiến

Nguy cơ ô nhiễm từ việc khai thác đá ven sông

Thời gian qua, nhiều cơ sở, doanh nghiệp hoạt động chế biến kinh doanh khoáng sản, vật liệu xây dựng tại khu phố Miễu, phường Phước Tân đã gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước sông Buông.

Theo một số người dân địa phương sinh sống, nguyên nhân khiến sông Buông ô nhiễm do các doanh nghiệp, cơ sở khai thác, tập kết vật liệu xây dựng cát và đá tiến hành phun xịt, bơm hút nước từ dòng sông lên để rửa cát, rửa đá cả ngày lẫn đêm.

Ông Lê Hữu Quang (ngụ khu phố Miễu, phường Phước Tân, TP Biên Hoà) cho biết: Trước đây nước sông Buông rất sạch và trong, nhưng từ ngày các bến bãi đưa máy bơm nước lên rửa cát, đá rồi xả ngược lại, khiến sông Buông ô nhiễm như bây giờ.

Những năm trước, người dân ngụ ven sông còn bơm nước sông Buông tưới cho vườn cây ăn trái như: Chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, mít… Gần đây, thấy nguồn nước sông ô nhiễm, người dân không dám bơm tưới cây khiến các vườn cây ăn trái ngày càng khô héo và chết dần.

Theo UBND phường Phước Tân, TP Biên Hoà, tình trạng ô nhiễm xuất hiện từ năm 2019 và người dân phản ánh rất nhiều. Do đó, UBND phường Phước Tân đã thành lập tổ liên ngành kiểm tra tình trạng hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước của các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng ven hai bên bờ sông. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra tới thì các chủ doanh nghiệp, cơ sở đều tìm cách né tránh.

Xử mạnh tay doanh nghiệp làm ô nhiễm 

Theo thống kê, dọc sông Buông, đoạn qua phường Phước Tân, TP Biên Hoà có 10 mỏ đá quy mô lớn được cấp phép khai thác với tổng diện tích hơn 400 ha. Trong đó, có một số đơn vị, doanh nghiệp đã, đang trực tiếp và gián tiếp gây nên tình trạng ô nhiễm sông Buông.

Trước tình trạng trên, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa có văn bản chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, xử lí vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh bãi cát, đá dọc sông Buông, phường Phước Tân.

Theo đó, sau khi có kết quả khảo sát các bãi cát, đá dọc sông Buông, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về lĩnh vực môi trường, đầu tư, xây dựng, đất đai… đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, bãi cát, đá dọc sông Buông. Kịp thời tham mưu, đề xuất xử lí nghiêm các đơn vị hoạt động rửa cát, đá xây dựng có hành vi xả nước thải không qua xử lí ra môi trường.

Lãnh đạo UBND TP Biên Hòa cũng cho biết thêm, bên cạnh một số doanh nghiệp sau khi bị phát hiện, xử phạt vi phạm vì gây ô nhiễm nước sông Buông đã khắc phục hậu quả, vẫn còn tình trạng cố tình trây ỳ, thậm chí ngang nhiên hoạt động. Do đó, cơ quan chức năng đang nghiên cứu để chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xem xét khởi tố nhằm tạo sự răn đe chung.

* Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các doanh nghiệp khai thác phải tuân thủ các phương án theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt, không được làm ô nhiễm nguồn nước sông, phát tán bụi ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

Doanh nghiệp nào gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt đồng thời phải bỏ tiền ra khắc phục hậu quả. Riêng việc ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sông Buông, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng đề nghị phải trả lại sự trong lành của dòng sông.

“Không thể vì một đồng tiền thuế mà bắt Nhà nước phải bỏ ra 10 đồng để khắc phục” - ông Lĩnh nhấn mạnh.

* UBND TP Biên Hòa vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường tại phường Phước Tân. Theo đó, UBND TP Biên Hòa xử phạt một doanh nghiệp có trụ sở tại TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) 90 triệu đồng vì đã vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Công ty này hoạt động khai thác, chế biến đá nhưng thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết