Đề xuất chỉ được rút 8% BHXH một lần: 14% còn lại chia sẻ cho ai?
Theo nhiều bạn đọc, cần xem xét kỹ và lắng nghe ý kiến của người lao động. Chính sách đưa ra cần trên quan điểm bảo vệ người lao động.
Trong Dự thảo đề cương sửa Luật BHXH lần này, cơ quan soạn thảo đưa ra phương án người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng BHXH một lần thì chỉ được rút phần mình đóng vào Quỹ BHXH là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay. Còn phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ.
Lý giải cho đề xuất chỉ cho người lao động rút 8% BHXH một lần, một lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết đây là thông lệ quốc tế vì bảo hiểm các nước không cho phép rút BHXH một lần nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân khi hết tuổi lao động. Bên cạnh đó, phần chủ sử dụng lao động đóng vào quỹ được kết cấu vào giá thành sản phẩm và dịch vụ. Do vậy, khi được xã hội tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đó nghĩa là xã hội đóng phần này và chủ sử dụng lao động chỉ là người đóng thay. Như vậy, phần chủ sử dụng đóng thay sẽ tạm giữ lại đến khi người lao động hết tuổi lao động thì sẽ được hưởng.
Bạn đọc Đinh Ngọc Quỳnh đặt câu hỏi: "Giữ 14% còn lại để chia sẻ thì chia sẻ cho ai? BHXH BHXH nên tôn trọng người tham gia, phải cho họ được quyền chọn tham gia hoặc không tham gia. Quy định nào giảm quyền lợi cho người tham gia thì chỉ áp dụng cho người tham gia kể từ thời điểm đó, chứ phải người lao động tham gia từ trước giờ". Bạn đọc Minh Đức ấm ức: "Tuổi thọ trung bình của người Việt là 73, nếu nghỉ hưu lúc 62 (nam) và 60 (nữ) tuổi thì hưởng được 11 và 13 năm lương hưu trong khi đóng liên tục thì cũng mất 35 năm. BHXH khôn hết phần thiên hạ, chỉ muốn thu đúng, thu đủ và chi ít và thật ít. Lại còn so sánh quốc tế chung chung chẳng biết nước nào".
Cùng góc nhìn, bạn đọc Đào Nhã cho rằng tiền BHXH là của người dân đóng thì chỉ người dân được quyền quyết định tiền của họ. Một bạn đọc giấu tên chất vấn: "Tại sao lại quy định đóng 20 năm BHXH thì được 45% lương hưu, đóng đủ 20 năm BHXH thì không được rút một lần và khi đóng đủ 20 năm BHXH thì phải chờ đến 62 tuổi mới được lĩnh lương hưu. BHXH có thấy Thực tế bây giờ doanh nghiệp đưa ra lý do mất đơn hàng, cắt giảm sản xuất....để cho nghỉ việc những lao động 40 tuổi trở lên, họ tuyển lại chỉ 18-25. Vậy số lao động 40 tuổi trở lên kia làm việc gì để có thu nhập duy trì đóng BHXH BHXH có bảo đảm được việc làm cho người lao động đến tuổi nghỉ hưu theo quy định 60, 62 tuổi đâu. 40 tuổi đóng 20 năm BHXH không cho rút 1 lần, mỗi năm chờ hưu bị trừ 2%, 22 năm bị trừ 44%, vậy đóng 20 năm, chờ 22 năm thì 62 tuổi còn được lĩnh 1% lương hưu mỗi tháng. Tiền đóng BHXH của người lao động 20 năm kia đi đâu về đâu một sự vô lý cùng cực vậy mà cũng nghĩ ra để tính toán với người lao động. "Nếu BHXH thực sự có lợi ích thì người lao động đã không rút một lần ồ ạt. Chia sẻ cho ai khi người lao động đã ra khỏi BHXH.
Nghe như đóng cọc vào tai
Theo bạn đọc Trung Đức, phần chủ sử dụng lao động đóng vào quỹ được kết cấu vào giá thành sản phẩm và dịch vụ. Do vậy, khi được xã hội tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đó nghĩa là xã hội đóng phần này và chủ sử dụng lao động chỉ là người đóng thay. Hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động là 1 thỏa thuận riêng, bao gồm cả mức đóng bhxh. Bây giờ BHHX lại quy kết là 14% là của xã hội đóng, người sử dụng lao động đóng thay, nghe như đóng cọc vào tai người nghe