NGĂN NGUY CƠ CÔNG NHÂN MẤT VIỆC (*): Phải bảo đảm quyền lợi công nhân
Cùng với lương, thưởng, phúc lợi, các chế độ trợ cấp thôi việc, mất việc phải được doanh nghiệp giải quyết đúng quy định để hạn chế thiệt thòi cho người lao độn
Do thu hẹp quy mô sản xuất, mới đây, Công ty TNHH Tỷ Hùng (100% vốn Đài Loan - Trung Quốc; quận Bình Tân, TP HCM) đã thông báo chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với công nhân (CN) từ ngày 1-12-2022. Trong thông báo gửi các cơ quan chức năng, công ty cam kết sẽ chi trả lương, thưởng, trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp mất việc (TCMV) làm cho CN mất việc.
Trông chờ vào trợ cấp
Theo nội dung thông báo, vì ảnh hưởng kinh tế, các đối tác bị thiệt hại nặng nề dẫn đến công ty bị mất đơn hàng. Thời gian qua, dù đã tìm nhiều biện pháp nhưng công ty không thể khôi phục hoạt động như kế hoạch nên phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt HĐLĐ với người lao động (NLĐ). Cụ thể, công ty sẽ thu hẹp toàn bộ khối sản xuất và một số đơn vị gián tiếp phục vụ sản xuất, chấm dứt HĐLĐ với 1.185 lao động. Trong đó, gồm 936 người đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn và 249 người ký HĐLĐ xác định thời hạn.
Công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng mong nhận được quyền lợi mất việc đúng quy định
Công ty cho biết sẽ chi trả TCMV làm là 2 tháng tiền lương cho tất cả NLĐ nghỉ việc vào ngày 2-12, riêng CN có thời gian làm việc từ năm 2008 trở về trước sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc (TCTV) theo quy định. Ngoài ra, công ty cũng sẽ chi tiền thưởng năm 2022, mức thưởng 1 tháng lương cho người làm việc đủ 12 tháng, mức thưởng sẽ được tính tỉ lệ theo thời gian thực tế làm việc trong 1 năm của NLĐ. Tiền lương tháng 11 và thưởng sẽ được công ty chi trả vào ngày 8-12.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH Tỷ Hùng bắt đầu hoạt động tại TP HCM từ năm 1998 và đang sử dụng 1.822 lao động. Trong đó, có khá nhiều lao động lớn tuổi, có thời gian gắn bó với công ty trên 20 năm. Mất việc vào thời điểm cuối năm, lại lớn tuổi nên số lao động này khó có khả năng tìm được việc làm mới, do vậy họ mong quyền lợi được giải quyết thỏa đáng để bớt khó khăn.
Chị Phan Thị Hồng Loan, 49 tuổi, có hơn 20 năm làm việc tại công ty, cho biết: "Theo quy định, khi công ty thu hẹp sản xuất, đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ thì phải trả TCMV làm cho CN mức mỗi năm làm việc là 1 tháng lương. Nếu công ty thật sự khó khăn, có thể thỏa thuận với CN để giảm khoản trợ cấp này. Tuy nhiên, công ty không thương lượng mà đơn phương ra thông báo chỉ TCMV làm cho mỗi CN là 2 tháng tiền lương, như vậy là chưa thỏa đáng. Mong muốn hiện nay của chúng tôi là được hưởng quyền lợi mất việc đúng quy định".
Cần tuân thủ luật
Liên quan đến việc chi trả các chế độ chính sách cho NLĐ mất việc, trong công văn gửi Công ty TNHH Tỷ Hùng ngày 2-11, LĐLĐ quận Bình Tân đã đề nghị công ty bảo đảm thực hiện đúng và đầy đủ các chế độ, chính sách đã cam kết, thỏa thuận với NLĐ.
Trường hợp công ty cho NLĐ thôi việc theo quy định tại điều 42 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 thì có trách nhiệm trả TCMV làm (không phải TCTV) cho NLĐ theo quy định tại điều 47 BLLĐ và điều 8 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP. Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật - LĐLĐ TP HCM, Công ty TNHH Tỷ Hùng thông báo chấm dứt HĐLĐ với CN do thu hẹp quy mô sản xuất thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 điều 42 BLLĐ "thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động".
Theo quy định, đối với trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ (bao gồm thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động) mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều NLĐ thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại điều 44 của BLLĐ; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại NLĐ để tiếp tục sử dụng. Nếu NSDLĐ không thể giải quyết được việc làm mà phải cho NLĐ thôi việc thì phải TCMV làm theo quy định tại điều 47 BLLĐ.
Cụ thể, đối với NLĐ đã làm việc thường xuyên cho NSDLĐ từ đủ 12 tháng trở lên khi mất việc làm thì NSDLĐ phải trả TCMV làm cứ mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính TCMV làm là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả TCTV, TCMV làm.
"Như vậy, việc Công ty TNHH Tỷ Hùng chỉ trả TCMV làm 2 tháng lương và TCTV cho những lao động có thời gian làm việc trước năm 2009 là chưa thỏa đáng. Công ty cần tuân thủ đúng quy định để bảo đảm quyền lợi cho CN, qua đó cũng thể hiện sự tri ân của DN đối với sự cống hiến của họ bao năm qua" - ông Triều nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-11
Làm việc từ 1-1-2009 vẫn được hưởng trợ cấp mất việc
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, lưu ý thêm tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ để tính TCMV làm bao gồm thời gian NLĐ đã trực tiếp làm việc, thử việc, được cử đi học, nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được NSDLĐ trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được NSDLĐ trả lương; thời gian ngừng việc không do lỗi của NLĐ; thời gian nghỉ hằng tuần theo điều 111, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo điều 112, điều 113, điều 114, khoản 1 điều 115… Cho nên, NLĐ làm việc tại công ty từ ngày 1-1-2009 trở về sau và có tham gia bảo hiểm thất nghiệp vẫn được hưởng TCMV làm mức tối thiểu 2 tháng tiền lương nếu quá trình làm việc có các thời gian kể trên khi bị chấm dứt HĐLĐ.