Đề nghị giảm phạt tù người vi phạm không vụ lợi
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí kiến nghị tăng cường công khai minh bạch trong quản lý xã hội, quản lý nhà nước, nhất là lĩnh vực nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực
Ngày 20-3, tiếp tục phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí về 2 lĩnh vực tòa án và kiểm sát.
Chủ tịch tỉnh "né" dự tòa hành chính
Trong phiên làm việc buổi sáng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn. Đại biểu (ĐB) Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, chất vấn về nguyên nhân, giải pháp căn cơ cho tình trạng án hành chính bị hủy, sửa còn cao.
Chánh án TAND Tối cao thừa nhận vẫn còn nhiều tồn tại xung quanh án hành chính, trong đó có tình trạng một số vụ đã có bản án nhưng UBND các cấp không thực thi, gây bức xúc trong dư luận. Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết có hiện tượng thẩm phán nể nang, tuy nhiên số lượng không nhiều. Sự nể nang không phải nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ hủy, sửa án cao mà chính là do sự tham gia của chính quyền các cấp trong các vụ án hành chính rất hạn chế.
Luật hiện hành quy định chủ tịch UBND các cấp khi bị kiện phải ra tòa, trong trường hợp ủy quyền, chỉ được ủy quyền cho cấp phó. "Trên thực tế, chủ tịch UBND các tỉnh nhiều việc, nên thời gian tham gia phiên tòa bị hạn chế, việc này ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Việc xét xử các vụ án hành chính thường chậm cũng đến từ nguyên nhân chủ tịch tỉnh không dự phiên tòa, không tham gia đối thoại trước khi xét xử" - ông Nguyễn Hòa Bình phân tích. Ông cho biết thời gian tới TAND các cấp sẽ nâng cao chất lượng xét xử; đổi mới hoạt động tố tụng hành chính bằng cách giao vụ án ở UBND huyện cho tòa án tỉnh xử, án ở UBND cấp tỉnh thì sẽ thành lập tòa chuyên trách.
Trả lời câu hỏi chất vấn của ĐB Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) về giải pháp thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế, khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính như Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII), ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định độc lập là nguyên tắc căn cốt của tòa án, gồm độc lập với các cơ quan, độc lập giữa các thẩm phán, độc lập giữa cấp trên và cấp dưới.
Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết ngành tòa án cũng đưa ra nhiều giải pháp bảo đảm nguyên tắc độc lập, trong đó có phương án ngẫu nhiên. Theo đó, việc giao xét xử án được đưa vào máy tính bấm số ngẫu nhiên, thẩm phán nhận số của vụ án nào thì phải xử vụ đó, nhằm khắc phục tình trạng thân quen. TAND Tối cao cũng thường xuyên kiểm tra việc can thiệp vào công tác xét xử để bảo đảm không có can thiệp của cấp trên vào cấp dưới.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn của đại biểu trong phiên họp Quốc hội vào ngày 20-3.Ảnh: LÂM HIỂN
Sử dụng tiền mặt dẫn đến tham nhũng!
Chiều cùng ngày, chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao, ĐB Mai Thị Phương Hoa nêu rõ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng. "Vậy qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, đề nghị Viện trưởng cho biết đã có những chỉ đạo gì và có những biện pháp như thế nào để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư?". Câu hỏi này bà cũng gửi tới Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết đây là vấn đề lớn, vĩ mô, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nên cần hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế để hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Ông kiến nghị tăng cường công khai minh bạch trong quản lý xã hội, quản lý nhà nước, nhất là lĩnh vực nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực.
Theo ông Lê Minh Trí, tồn tại trong hệ thống tư pháp có nhiều nguyên nhân, như văn bản hướng dẫn và giải thích luật chưa đáp ứng kịp thời; người thực hiện quy định pháp luật còn nhận thức khác nhau; cơ quan tư pháp khi thực hiện chức năng nhiệm vụ thì nhận thức khác. "Ví dụ vấn đề đấu giá đất hiện không có sự đồng nhất, Luật Đất đai yêu cầu phải đấu giá nhưng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản thì không".
Qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ vừa qua, Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị bịt các lỗ hổng trong quy định đã bị lợi dụng, lạm dụng; đồng thời có lộ trình hạn chế dùng tiền mặt, bắt buộc các quan hệ kinh tế thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát. Chính việc sử dụng tiền mặt phổ biến hiện nay với các hoạt động, quan hệ kinh tế, thanh toán không qua ngân hàng là bất cập, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Bấm nút tranh luận, ĐB Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng "nhận thức mà còn khác nhau thì làm sao xử đúng được". Ông Tạ Văn Hạ lưu ý đây là vấn đề quan trọng.
Gây thiệt hại 100 triệu đồng đã bị khởi tố
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định phải xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi, chiếm đoạt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Việc xử lý nghiêm khắc càng có tính răn đe tốt. Tuy nhiên, có vấn đề đặt ra: qua thực tiễn các vụ án, việc áp dụng pháp luật có những trường hợp thực hiện theo mệnh lệnh của cấp trên hoặc cấp trên gợi ý nên cấp dưới phải chấp hành. Hay cấp dưới tham mưu không đúng, không đầy đủ nhưng không kiểm soát được, quyết sai hoặc có yếu tố rủi ro, bất cập, ngoài dự kiến, bất khả kháng. Với những yếu tố đó, theo ông Lê Minh Trí, khi họ chủ động, khắc phục hoàn toàn hậu quả hay thấy sai đã sửa, hợp tác, giúp điều tra để điều tra làm rõ các vụ án nhưng nếu áp dụng miễn, giảm, tha thì với luật hiện hành là có vướng.
Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết vừa rồi ông có kiến nghị với Thường trực Ban Bí thư, nay là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng về việc Quy định số 69-QĐ/TW có nói khi chấp hành mệnh lệnh cấp trên mà làm sai thì không kỷ luật. "Nhưng phải cụ thể hóa bằng luật pháp. Nếu Đảng không kỷ luật nhưng hành vi cụ thể là vi phạm pháp luật cộng với gây ra hậu quả thì đây là chỗ vướng" - ông nói.
Dẫn điều 219 Bộ Luật Hình sự 2015 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí), hoặc điều 360 (tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng), chỉ gây thiệt hại 100 triệu đồng đã khởi tố hình sự, Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị cần xem xét lại, bởi mức này áp dụng từ năm 1999. "Bây giờ sửa luật rồi nhưng mức xác định vẫn là 100 triệu đồng. Trong tình hình hiện nay, như vậy không phù hợp".
"Mức chế tài, khung hình phạt tù, theo tôi là nên giảm. Cần tăng chế tài phạt tiền để bảo đảm xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu cầm đầu, chiếm đoạt vụ lợi nhưng nhân văn đối với những người rủi ro" - ông Lê Minh Trí nói.
Chậm bồi thường oan sai
Liên quan đến việc bồi thường cho người bị kết án oan, ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai) chất vấn về việc chậm giải quyết bồi thường và nhiều trường hợp người bị oan qua đời, không thể chờ được bồi thường.
Trả lời vấn đề này, Chánh án TAND Tối cao cho biết các vụ oan sai thường xảy ra nhiều năm trước do một thời chất lượng điều tra, truy tố, xét xử chưa cao. Về nguyên nhân bồi thường oan sai chậm, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng do các quy định pháp luật hiện hành rất chặt chẽ, người được bồi thường phải thực hiện các thủ tục theo các quy định của Bộ Tài chính.
Bịt sơ hở trong quản lý để không thể tham nhũng
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định hoàn thiện thể chế để không thể tham nhũng là vấn đề Bộ Công an rất quan tâm chỉ đạo trong điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng. Ngoài việc điều tra, chứng minh tội phạm, xử lý các đối tượng phạm tội, thu hồi tối đa tài sản cho nhà nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng của điều tra vụ án là xác định sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý để kiến nghị khắc phục, qua đó góp phần tạo cơ chế không thể tham nhũng.
Bộ trưởng Tô Lâm dẫn chứng một số vụ án ở các lĩnh vực y tế, giáo dục vừa qua, cơ quan điều tra đã có nhiều kiến nghị khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác đầu tư công, công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế, giáo dục… điều này góp phần minh bạch vấn đề với mục tiêu xử lý một vụ việc nhưng cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực.