A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính sách khuyến sinh: Cần nhưng chưa đủ

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM đề xuất nhiều giải pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con nhằm bảo đảm mức sinh thay thế như hỗ trợ viện phí, chi phí khám sức khỏe, mua nhà ở xã hội…

Thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM cho thấy tỉ suất sinh của thành phố là 1,39 con/phụ nữ. Con số này tăng so với năm 2017 (1,35) nhưng lại giảm so với năm 2021 (1,48) và ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước hiện nay là 2,1.

Mức sinh ngày càng thấp, người già ngày càng nhiều

TP HCM đang là 1 trong 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp nhất cả nước. Số người cao tuổi tại TP HCM đang chiếm tỉ lệ hơn 11%, trong khi những năm trước chưa tới 10%, chứng tỏ tốc độ già hóa dân số đang diễn ra khá nhanh. Về lâu dài, mức sinh thấp làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Chính sách khuyến sinh: Cần nhưng chưa đủ - Ảnh 1.

Gửi con đi học ở đâu là mối lo của nhiều phụ nữ sau thời gian nghỉ hậu sản. Trong ảnh: Giờ ăn trưa của các bé tại một trường mầm non ở quận 5, TP HCM. Ảnh: ĐẶNG TRINH

Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, cảnh báo: "Mức sinh thấp sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, làm cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn gây thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng an sinh xã hội. Trong khi đó, thách thức lớn nhất là làm thế nào tạo một môi trường sống tốt nhất cho các cặp vợ chồng an tâm sinh con và nuôi dạy con".

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng trong bối cảnh mức sinh thấp và đang giảm ở mức cảnh báo, ngành dân số cần xem xét và điều chỉnh lại các hoạt động thích ứng với hiện tại, nỗ lực giải quyết tình trạng này. "Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con, góp phần cải thiện mức sinh của thành phố, kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số" - bác sĩ Hưng nhấn mạnh.

Đề xuất nhiều chính sách khuyến sinh

TP HCM đang tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng mức sinh thấp, triển khai tại 159 phường - xã, kéo dài đến ngày 7-9. Mục tiêu là giúp người dân tiếp cận các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số có chất lượng, an toàn và hiệu quả. Chương trình cung cấp gói dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh đến tận cơ sở do các chuyên gia, bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM và các bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương, Bình Dân thực hiện.

Để thực hiện khuyến sinh, không đơn giản chỉ là sự thay đổi về số lượng con, mà quan trọng nhất vẫn là những chế độ hỗ trợ cho các cặp vợ chồng để làm thế nào họ có thể nuôi dạy con cái trong điều kiện phát triển tốt nhất.

Chính sách khuyến sinh: Cần nhưng chưa đủ - Ảnh 2.

Sau khi nghỉ ở nhà 2 năm để chăm con, chị Phạm Thu Phương Thảo Vi quyết định không sinh thêm nữa. Ảnh: LIÊN ANH

Ông Phạm Chánh Trung cho biết Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã tham mưu cho Sở Y tế xây dựng dự thảo về chính sách dân số tại TP HCM đến năm 2030, trong đó đề xuất hàng loạt giải pháp khuyến sinh, như: hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con; hỗ trợ viện phí cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai (kinh phí đồng chi trả, ngoài chi phí BHYT thanh toán); hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn… Dự thảo này vừa được Sở Y tế TP HCM tham mưu UBND TP HCM ban hành Quyết định số 659 về chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030; đồng thời đề xuất trong dự thảo về chính sách dân số tại TP HCM đến năm 2030, dự định sẽ trình UBND TP trong kỳ họp gần nhất.

"Nếu được thông qua, trong triển khai thực hiện chính sách sẽ có các hướng dẫn chi tiết và thông tin đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết và nhận hỗ trợ" - ông Trung nói.

Riêng chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội, ông Trung cho biết sẽ có lộ trình cụ thể theo từng năm và giải quyết theo từng đối tượng. "Trong dự thảo, chúng tôi đang đề nghị mức hỗ trợ tối đa một lần không quá 10% trên tổng giá trị căn nhà theo chương trình nhà ở xã hội cho cặp vợ chồng sinh đủ 2 con thuộc diện hộ nghèo; không quá 5% cho cặp vợ chồng cận nghèo và không quá 3% với các cặp vợ chồng bình thường" - ông Trung cho hay.

Ai giữ con sau 6 tháng hậu sản?

Nói về các chính sách hỗ trợ do ngành dân số đề xuất, nhiều phụ nữ chia sẻ rằng nhà thì cần nhưng điều họ cần hơn là chính sách hỗ trợ liên quan đến việc chăm sóc con sau thời gian nghỉ thai sản, có thể là kéo dài thời gian nghỉ hoặc có thêm các trường mầm non công lập nhận trẻ từ 6 tháng.

Có con trai (5 tuổi) nhưng vợ chồng chị N.K.P (30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) không có ý định sinh thêm con. Chị P. cho biết 2 vợ chồng từ miền Tây lên TP HCM lập nghiệp. Dù đã định cư hơn 10 năm nhưng 2 vợ chồng vẫn phải thuê nhà. Khi sinh con, mọi thứ chật vật hơn trước vì chi phí để nuôi con chiếm đến 30%-35% thu nhập của 2 vợ chồng.

"Ba mẹ chúng tôi đều lớn tuổi, không thể phụ chăm cháu. Nếu gửi con về quê cũng không được nên sau sinh tôi phải nghỉ việc để chăm, chỉ 1 mình chồng đi làm thì kinh tế không đủ. Vì vậy, 2 vợ chồng tôi quyết định không sinh thêm để tập trung chăm lo thật tốt cho con" - chị P. nói.

Cũng quyết định không sinh thêm con thứ 2, chị Phạm Thu Phương Thảo Vi (33 tuổi, ngụ quận Tân Phú) chia sẻ 2 năm nghỉ việc ở nhà để chăm sóc đứa con đầu đã khiến chị thấm thía. Chị đang tìm trường mầm non để gửi con và đi làm lại. "Nuôi đứa trẻ là sự nghiệp cả đời, không chỉ một vài tháng. Do đó, 2 vợ chồng tôi cố gắng chăm sóc tốt cho con. Nuôi ít mà chất lượng còn hơn đẻ nhiều không chăm được" - chị Vi nói.

Còn chị N.N.A (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) vừa hết thời gian nghỉ thai sản 6 tháng, đang phải vất vả tìm nơi gửi con để đi làm lại. "Khả năng kinh tế không đủ để gửi con ở trường tư nên tôi muốn tìm trường công để gửi con. Tuy nhiên, ở khu vực tôi sống các trường đều không nhận trẻ 6 tháng tuổi. Do đó, tôi phải gửi con đến một cô sinh sống cùng chung cư cũng ở nhà chăm cháu. Nhiều lúc thương con nhưng nếu chỉ một mình chồng đi làm thì mọi sinh hoạt trong gia đình sẽ khó khăn" - chị A. tâm sự. 

Phụ huynh không mặn mà gửi trẻ ở trường công

Tại TP HCM, đề án thí điểm giữ trẻ mầm non từ 6 đến 18 tháng được thực hiện thí điểm từ năm 2014 theo 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2014-2015), xây dựng và triển khai thí điểm ở 6 quận, huyện gồm Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè, quận 7 và quận 12. Giai đoạn 2 (2015-2016), triển khai ở 12 quận, huyện đông dân cư. Giai đoạn 3 (2016-2017), triển khai ở toàn thành phố. Giai đoạn 4 (2017-2018 trở đi), tăng số trường và nâng cao chất lượng nhận giữ trẻ 6 tháng tuổi.

Dù triển khai với thời gian khá lâu và rộng khắp nhưng đến nay việc nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng ở các trường mầm non công lập vẫn không đạt nhiều hiệu quả.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, cho biết thực tế số trường công thực hiện giữ trẻ ở độ tuổi trên vẫn có nhưng vẫn rất ít so ở khối trường ngoài công lập, bởi không có nhiều trường công đủ điều kiện thực hiện cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và hơn hết là phụ huynh không mặn mà.

"Đa số các trường công thiếu giáo viên bởi công việc chăm sóc trẻ độ tuổi nhỏ càng vất vả. Do các điều kiện trường công không phù hợp với nguyện vọng nên đa số phụ huynh chọn trường tư thục, chủ yếu là các nhóm lớp để gửi trẻ" - ông Nguyên nói.

Theo lý giải của lãnh đạo một phòng GD-ĐT, đa số phụ huynh không mặn mà gửi trẻ từ 6 đến 18 tháng ở trường công lập là vì các trường làm việc theo giờ hành chính, trong khi phụ huynh mong muốn thời gian linh động, thậm chí giữ cả ngày thứ bảy. Mặt khác, nếu có trường công mở lớp nhận trẻ thì cũng không phải tất cả đều phù hợp với nhu cầu đưa đón của phụ huynh, chẳng hạn như trường quá xa nhà.

Đ.Trinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết