A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An sinh bền vững cho người lao động

Chính sách BHXH, BHYT phải là lưới an sinh cho người lao động khi họ gặp rủi ro trong cuộc sống cũng như trong quá trình lao động sản xuất

BHXH Việt Nam cho biết đến cuối năm 2022, diện bao phủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục được mở rộng và vượt chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết 01 của Chính phủ với khoảng 91,1 triệu người tham gia BHYT (đạt tỉ lệ bao phủ 92,04% dân số), tăng hơn 2,2 triệu người so với năm 2021. Độ bao phủ BHXH, BHYT tăng đồng nghĩa an sinh xã hội được mở rộng, có thêm hàng chục triệu lượt người được thụ hưởng.

Quyết liệt đòi nợ BHXH

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho hay năm qua, trong bối cảnh nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 và những thay đổi về chính sách đã ảnh hưởng đến khoảng 4,9 triệu người không tiếp tục được hỗ trợ tham gia BHYT so với thời điểm cuối năm 2021.

An sinh bền vững cho người lao động - Ảnh 1.

Tạo điều kiện để người lao động tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm để an sinh xã hội bền vững Ảnh: HUỲNH NHƯ

Trước tình hình đó, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương linh hoạt triển khai nhiều giải pháp để người dân được hưởng chính sách an sinh xã hội lâu dài. Qua đó, có khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 14,3 triệu người tham gia BHTN, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi. "Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân. Bên cạnh đó, quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN luôn được bảo đảm đầy đủ, kịp thời" - ông Nguyễn Thế Mạnh nói.

Ngoài ra, trong năm 2022, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết cho trên 95.600 hồ sơ hưởng mới và chi trả kịp thời đến 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; gần 11 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; hơn 977.600 người hưởng các chế độ BHTN; 151,4 triệu lượt người hưởng BHYT, với tổng số tiền chi 382.000 tỉ đồng. Trong đó, có 61% người hưởng qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1813/QĐ-TTg trước 3 năm.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với ngành y tế đề xuất và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm kinh phí kịp thời cho các cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Theo BHXH Việt Nam, trong năm qua, ngành đã triển khai nhiều giải pháp đôn đốc, thu hồi số tiền chậm đóng các loại bảo hiểm cho người lao động (NLĐ). Trong đó, qua thanh tra, kiểm tra tại 36.065 đơn vị với số tiền chậm đóng là 3.298 tỉ đồng, các đơn vị khắc phục, nộp tiền chậm đóng là 3.068 tỉ đồng (bằng 93%), tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi chỉ chiếm 2,91% số phải thu.

Giúp người dân tiếp cận chính sách

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật - Tổng LĐLĐ Việt Nam, đánh giá độ bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng, nhất là BHYT đã đạt được con số khá lớn. Chế độ thụ hưởng của các chính sách đã thật sự phát huy vai trò là điểm tựa an sinh xã hội cho NLĐ trong lúc khó khăn.

Trong điều kiện dịch bệnh, các chính sách an sinh xã hội đã phát huy vai trò tích cực, nhất là trợ cấp thất nghiệp và giảm mức đóng vào quỹ BHTN cho đơn vị sử dụng lao động. Đây là chính sách hết sức kịp thời, nhân văn và đã được triển khai rất nhanh chóng. NLĐ đã được thụ hưởng hơn 31.000 tỉ đồng từ quỹ BHTN, giúp giải quyết khó khăn khi dịch bệnh, tạo cho họ niềm tin vào chính sách BHXH.

Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Quảng, khi NLĐ đã tham gia các loại bảo hiểm thì những chính sách cần linh hoạt, bền vững. "Đơn cử như cần xem xét giảm thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí xuống còn 15 năm hoặc tăng quyền lợi hưởng bảo hiểm nếu NLĐ ở lại hệ thống, tránh tình trạng rút BHXH một lần. Kế đến, việc sửa Luật BHXH cũng như các luật liên quan cần khắc phục những tồn tại, hạn chế, để chính sách này thật sự là điểm tựa, "lưới an sinh" cho NLĐ, tạo thuận lợi để họ tham gia BHXH bền vững, tiến tới mục tiêu BHXH toàn dân" - ông Quảng góp ý.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết năm 2023, ngành đặt ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT. Song song đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.

"Trong năm nay, ngành BHXH sẽ đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân tiếp cận tốt nhất về BHXH, BHYT, BHTN. Ngoài đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia, bảo đảm giải quyết, chi trả đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT, toàn ngành sẽ tập trung đôn đốc thu, giảm nợ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, nhằm kịp thời xử lý các hành vi vi phạm" - ông Nguyễn Thế Mạnh cho hay.

Xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm

Theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố còn tồn tại việc nhiều doanh nghiệp (DN), tổ chức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT chưa nghiêm. Còn nhiều DN nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT cho NLĐ; đóng không đúng mức quy định ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ, quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ. Tính đến đầu tháng 1-2023, số nợ BHXH TP Hà Nội là 1.509 tỉ đồng, số tiền nợ phải tính lãi là 2,67%.

Công an TP Hà Nội cũng cho hay với chức năng, nhiệm vụ, theo quy chế phối hợp liên ngành về thực hiện chính sách BHXH của thành phố, thời gian tới, cơ quan công an sẵn sàng tiếp nhận các hồ sơ DN nợ đọng, trốn đóng BHXH và vào cuộc điều tra xử lý trên cơ sở quy định của Luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...