Tương lai nào cho Miss Universe sau khi về tay nữ tỷ phú người Thái Lan?
Nữ tỷ phú chuyển giới người Thái Lan là chủ nhân mới của Miss Universe
Ngày 26/10, JKN Global Group - tập đoàn truyền thông thuộc sở hữu của Chakrapong Anne Chakrajutathib - đã thông báo mua lại tổ chức Miss Universe ( Hoa hậu Hoàn vũ ). Nữ tỷ phú đã bỏ ra 20 triệu đô la Mỹ để trở thành chủ sở hữu của cuộc thi. Bà Chakrapong Anne Chakrajutathib cho biết việc mua lại cuộc thi là một "hướng đi chiến lược và hiệu quả", cổ phiếu của tập đoàn JKN cũng tăng khoảng 15% sau thông báo trên.
JKN Global Group là tập đoàn đa quốc gia, có trụ sở chính tại Thái Lan với các lợi ích kinh doanh ở nhiều nước khác nhau. JKN gồm nhiều doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp phân phối thực phẩm, sản xuất phim truyền hình và quảng cáo. Bên cạnh đó, tập đoàn JKN sở hữu các cuộc thi sắc đẹp đáng chú ý - Miss USA, Miss Teen USA và mới đây nhất là cuộc thi Miss Universe - một trong những đấu trường nhan sắc lâu đời nhất thế giới.
Những động thái mới của Miss Universe sau khi đổi chủ
Tập đoàn JKN Global Group sẽ nhanh chóng thu hồi lại chi phí tổn thất, do việc tiếp nhận tổ chức Miss Universe mang rất nhiều rủi ro về mặt tài chính. Mức giá 20 triệu đô la Mỹ bỏ ra để mua lại tổ chức cuộc thi khá cao, trong khi báo cáo của New York Post cho biết Hoa hậu Hoàn vũ đang lỗ 2 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Đã có những động thái cho thấy chủ sở hữu mới đang cố gắng đưa cuộc thi phát triển trở lại để sinh lợi nhuận.
Mặc dù danh sách thí sinh chưa được hoàn tất, nhưng người hâm mộ hiện đã có thể mua phiếu bầu với giá 1 USD (hơn 24 nghìn đồng) cho ba phiếu và tối đa 200 USD (khoảng gần 5 triệu đồng) cho 1.000 phiếu. Phí nhượng quyền thương mại và bản quyền phát sóng cũng có thể cao hơn. Người theo dõi cuộc thi cũng lo lắng nếu tổ chức cắt giảm kinh phí sản xuất hay cắt giảm nhân lực, cuộc thi sẽ bị ảnh hưởng xấu đến chất lượng và uy tín.
Thái Lan cũng có thể sẽ được hưởng lợi dưới thời chủ sở hữu mới của Miss Universe. Mặc dù có nguy cơ bị cáo buộc rằng tập đoàn JKN sẽ thiên vị đối với thí sinh nước họ, nhưng số liệu thống kê sẽ không thể "nói dối". Theo bảng xếp hạng Big5 của Missosology do Steven Diaz thực hiện, một thực tế không thể chối cãi rằng quốc gia đăng cai tổ chức cuộc thi có thứ hạng cao không tương xứng trên chính cuộc thi đó.
Nữ tỷ phú Thái Lan - Chakrapong Anne Chakrajutathib rất có thể sẽ tiếp tục các chính sách của mình, cho phép người chuyển giới, phụ nữ đã kết hôn và có con tham gia cuộc thi. Sẽ có một lượng lớn thí sinh chuyển giới tham gia và sẽ nhận được sự cổ vũ tích cực từ phía tổ chức.
Tuy nhiên, thay đổi quá đột ngột đến từ phía tổ chức cuộc thi cũng là một rủi ro rất lớn. Thay vì đưa ra rất nhiều chính sách tiến bộ có lợi cho cuộc thi, không ít người cho rằng, Miss Universe nên cân nhắc đến ý kiến của những người ủng hộ nhiệt tình của mình, vì suy cho cùng, chính nhờ sự ủng hộ và yêu thích từ những người hâm mộ, cuộc thi mới có thể có được giá trị như ngày hôm nay.
Miss Universe tổ chức sự kiện tại Thái Lan sau khi chính thức đổi chủ
Ngày 7/11, Miss Universe đã tổ chức một buổi Gala sự kiện tại Bangkok (Thái Lan). Đêm tiệc Gala có sự tham dự của đương kim Hoa hậu Hoàn vũ 2022, Harnaaz Sandhu, Miss Universe 2005 - Natalie Glebova của Canada, Miss Universe 2011 Leila Lopes của Angola, Miss Universe 2020 Andrea Meza (Mexico) và Miss Universe 2018 Catriona Gray. Điều này thể hiện dù Hoa hậu Hoàn Vũ đã có những thay đổi từ phía ban tổ chức, họ vẫn tôn vinh quá khứ và những truyền thống quý báu của cuộc thi.
Cùng có mặt trong buổi tiệc là chủ tịch Miss Universe - Paula Shugart và giám đốc điều hành Amy Emmerich. Theo đúng những gì nữ tỷ phú người Thái Lan nói, Paula Shugart và Amy Emmerich vẫn giữ vị trí của họ ở thời điểm hiện tại. Do vậy, sẽ khó xảy ra những thay đổi mạnh mẽ. Đây là tin tức tốt cho những người hâm mộ đang lo sợ điều tồi tệ sẽ ảnh hưởng đến cuộc thi. Có lẽ sau tất cả những tin đồn và âm mưu trước đó, mọi thứ có thể vẫn như cũ.