A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trưng bày các tác phẩm văn học công nhân là hoạt động cần thiết và có ý nghĩa

Ngày 25.12 tới đây, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trưng bày các tác phẩm “Văn học công nhân và những tác phẩm tiêu biểu đã được giải thưởng” tại Thư viện Quốc gia. Tại đây, các tác phẩm đã giành giải trong Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn sẽ được giới thiệu, lan tỏa đến công chúng. PV Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với nhà văn Kiều Bích Hậu về vấn đề này.

Trưng bày các tác phẩm văn học công nhân là hoạt động cần thiết và có ý nghĩa

Tuyển tập các truyện ngắn đặc sắc về Cuộc thi Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn. Ảnh: Hải Nguyễn

Trưng bày các tác phẩm “Văn học công nhân và những tác phẩm tiêu biểu đã được giải thưởng” của Hội Nhà văn Việt Nam có ý nghĩa như thế nào sau khi cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn khép lại?

- Về mặt truyền thông, đây là hoạt động cần thiết và có ý nghĩa nhấn mạnh thêm về tầm quan trọng của cuộc thi sáng tác về công nhân, công đoàn. Việc trưng bày tác phẩm không chỉ tôn vinh tác giả, truyền động lực cho giới sáng tác, mà còn tạo điều kiện cho công chúng được tiếp cận tác phẩm qua góc nhìn khác, qua cách thể hiện tác phẩm sinh động. Từ đó, giúp công chúng thưởng lãm tác phẩm dễ dàng và thông điệp tác phẩm, cũng như hình tượng người công nhân, tổ chức công đoàn thêm in sâu trong tâm trí cộng đồng, thúc đẩy những hành động đẹp và cảm tình với giới công nhân, tổ chức Công đoàn.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là việc làm chưa từng có, ban tổ chức là Hội Nhà văn đã có sáng kiến hay. Giai cấp công nhân Việt Nam hình thành hàng trăm năm nay, là lực lượng tiên phong của Cách mạng. Vùng mỏ, dệt Nam Định, cảng Hải Phòng, cảng Nhà Rồng là cái nôi của giai cấp công nhân, nhưng điểm lại tác phẩm văn học về đề tài công nhân chỉ trên đầu ngón tay: “Lầm Than” của Lan Khai, “Vùng mỏ” của Võ Huy Tâm, “Mở hầm” của Nguyễn Dậu, “Bất khuất” của Lê Phương là tiểu thuyết, còn truyện ngắn cũng chỉ có một số lượng không nhiều. Các vùng công nghiệp khác không thấy có.

Về phim truyện có “Khói trắng” viết về nhà máy ximăng Hải Phòng; Phim truyện “Bão biển” viết về cuộc đình công năm 1936 của Nguyễn Khắc Lợi chuyển thể tiểu thuyết của Lê Phương; Phim Tài liệu lịch sử “Vùng mỏ con người và lịch sử” của Đặng Huỳnh Thái. Cuộc thi năm 2023 có “Bể than Đông Bắc” của Đặng Huỳnh Thái là có cách nhìn đầy đủ, tổng quát về công nhân.

Văn học công nhân đóng vai trò như thế nào trong nền văn học Việt Nam, theo quan điểm của chị?

- Văn học công nhân là một mảng màu đậm nét trong toàn cảnh bức tranh văn học Việt Nam, không chỉ góp phần tạo nên sự phong phú, giàu có cho văn học Việt Nam, mà còn thể hiện tinh thần Việt trong lao động, trong quan hệ con người với công việc, thử thách, với tự nhiên…

Như trên đã nói giai cấp công nhân (vô sản) là động lực của cách mạng Việt Nam, vậy văn học công nhân phải là hàng đầu của nền kinh tế quốc dân, sau văn học chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc.

Chị đánh giá thế nào về kết quả cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn do Báo Lao Động tổ chức? Có tác phẩm nào khiến chị ấn tượng, đánh giá cao?

- Cuộc thi đã mang lại kết quả tốt đẹp, giải thưởng cao nhất được trao cho những tác giả khá mới mẻ, cá tính (Phương Trà, Nguyễn Trí). Tôi đã gặp Phương Trà năm ngoái và rất ấn tượng với cây viết này. Tác phẩm “Con đường của Hạ” là một minh chứng cho sự sắc nét độc đáo của một cây bút nữ giàu nội lực. Nhưng đậm nét nhất về người công nhân và công đoàn là “Bể than Đông Bắc”.

Theo chị, vì sao mảng công nhân, công đoàn những năm gần đây thiếu vắng những tác giả lớn, những tác phẩm đồ sộ?

- Thời gian gần đây, có vẻ như hình tượng người công nhân, tổ chức Công đoàn không còn hấp dẫn công chúng, thay vào đó là doanh nhân, hoa hậu, những tài tử điện ảnh hoặc giới công nghệ, các tập đoàn kinh tế thu hút sự chú ý hơn. Do đó, các tác giả cũng xoay sang viết đề tài dễ lôi kéo bạn đọc.

Vui mừng là năm nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động cuộc thi này. Sân chơi trí tuệ được mở ra nên giành được thắng lợi lớn, nhiều tác phẩm hay mà lâu nay người viết ấp ủ đã được hiện hữu.

Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn được phát động thu hút gần 300 tác giả với gần 500 tác phẩm dự thi. Từ kết quả đó, cuộc thi giúp mảng đề tài về công nhân, người lao động thay đổi như thế nào?

- Tôi tin rằng ảnh hưởng từ cuộc thi, sẽ khiến nhiều cây bút chú ý để thời gian tới đây tập trung viết về công nhân, công đoàn. Chỉ cần Ban tổ chức cuộc thi duy trì sự kiện này thường niên, hoặc hai năm/lần để hình thành một vệt rõ ràng, và các tác giả sẽ nghĩ đến cuộc thi đầu tiên khi suy tính viết về cái gì, đề tài nào.

Bắt đầu từ chính người công nhân, tổ chức Công đoàn, khi giới này tỏa sáng, thì những người cầm bút sẽ đến với họ. Sân chơi trí tuệ sẽ thu hút được tất cả mọi tầng lớp, nhà văn sẵn sàng đặt bút.

Xin cảm ơn chị!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết