A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thể thao Việt Nam thiếu ngôi sao đỉnh cao

Người quyết định trực tiếp sự thành-bại từ SEA Games cho đến ASIAD và Olympic của thể thao Việt Nam là vận động viên và huấn luyện viên.

Thể thao Việt Nam thiếu ngôi sao đỉnh cao

Lực sĩ Trịnh Văn Vinh của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic 2024. Ảnh: TTXVN

Không có người ở đẳng cấp thế giới

Tất cả người hâm mộ Việt Nam ngỡ ngàng khi chứng kiến lực sĩ cử tạ Trịnh Văn Vinh để rơi tạ trong ba lần cử giật (mức tạ 128kg) tại Olympic Paris 2024. Sự ngỡ ngàng là bởi chúng ta kì vọng quá nhiều vào Trịnh Văn Vinh và không nghĩ lực sĩ có màn thể hiện như vậy.

Nếu xâu chuỗi lại quá trình Trịnh Văn Vinh trở lại thi đấu chính thức từ đầu năm 2023 đến Olympic Paris 2024, người làm chuyên môn thấy rằng lực sĩ của chúng ta chưa bao giờ đạt được trạng thái tâm lý mạnh mẽ nhất. Cũng như, Trịnh Văn Vinh chưa bao giờ đứng vào nhóm đầu châu Á và thế giới tại hạng 61kg nam. Văn Vinh là tuyển thủ có vị trí hạng 9 thế giới để được dự Olympic Paris 2024.

Các cung thủ Lê Quốc Phong, Đỗ Thị Ánh Nguyệt đều ở ngoài top 50 thế giới trên bảng xếp hạng của Liên đoàn bắn cung thế giới. Xạ thủ Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền cũng ở ngoài nhóm 40 người có thứ hạng cao nhất của thế giới trong nội dung của mình trước khi dự Olympic Paris 2024.

Thể thao Việt Nam dự Olympic lần này với các tuyển thủ Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Lê Quốc Phong, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông), Nguyễn Huy Hoàng, Võ Thị Mỹ Tiên (bơi), Trần Thị Nhi Yến (điền kinh), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Hoàng Thị Tình (judo), Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh (boxing). Chưa ai trong số họ từng đứng thứ hạng cao nhất ở giải đấu cấp độ thế giới ở nội dung của mình.

3 gương mặt được chú ý nhất thể thao Đông Nam Á giành huy chương vàng Olympic 2024 là: Panipak Wongpattanakit (Thái Lan, taekwondo), Rizki Juniansyah (Indonesia, cử tạ), Carlos Yulo (Philippines, thể dục dụng cụ) đã có thứ hạng nhất, nhì thế giới. Họ từng đứng trên bục cao nhất nhận huy chương trong giải thế giới ở môn của mình.

Đi tìm tương lai cho thể thao nước nhà

Kế hoạch mà Cục Thể dục Thể thao đề ra để tập trung cho đầu tư nhân lực hướng đến chọn người đủ khả năng chuyên môn tranh huy hương đấu trường ASIAD và Olympic là lựa chọn khoảng 28 đến 30 gương mặt xuất sắc nhất. Tuyển thủ nào ở nội dung nào được lựa chọn dựa trên đánh giá chuyên môn của các ban huấn luyện đội tuyển thể thao quốc gia.

Tuy nhiên, đã có ý kiến cho rằng, muốn chọn những “hạt giống” triển vọng của tương lai, người làm chuyên môn phải trực tiếp đi tìm các vận động viên ngay từ cơ sở để biết sớm nhất khả năng của họ. Lúc này, các đội tuyển thể thao quốc gia đang hưởng kết quả nhân sự vận động viên là từ các đơn vị địa phương, ngành tuyển chọn rồi thi đấu đạt thành tích sau đó được chú ý.

“Trên hết, thể thao Việt Nam phải xác định mục tiêu của mình. Có mục tiêu, chúng ta phải có nguồn lực đầu tư thì mới hiệu quả”, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục Thể dục Thể thao) Nguyễn Hồng Minh đã trao đổi.

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Lâm Quang Thành từng đưa phân tích rằng nếu thể thao Việt Nam tập trung vào việc xây dựng, đầu tư các nhóm môn theo nhiệm vụ chuyên môn thì sẽ có hướng phát triển hiệu quả.

Chúng ta có 4 Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia đặt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ cùng điểm tập tại Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh đang là nơi tập huấn các đội tuyển thể thao quốc gia. Năm 2024, thể thao Việt Nam tập huấn, tập luyện khoảng 1.400 vận động viên ở các cấp độ đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia.

Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt đã khẳng định tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao hướng đến năm 2030 được tổ chức tháng 12.2023 là: “Về mục tiêu, ngành thể thao xác định rõ ba nhóm tổng quát gồm: Tạo bước đột phá về thành tích thể thao tại các kỳ thế vận hội (Olympic) và Đại hội thể thao châu Á (ASIAD); Xây dựng hệ thống đào tạo vận động viên một cách khoa học, bền vững, tập trung đầu tư trọng điểm cho vận động viên ưu tú tham gia thi đấu Olympic năm 2024, 2028 và ASIAD năm 2026 và năm 2030; Định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình để tập trung nguồn lực đầu tư, từ chuẩn bị lực lượng, công tác huấn luyện đến cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và ổn định nguồn kinh phí hoạt động thể thao thành tích cao đến năm 2030”


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết