A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sứ mệnh bảo vệ nghệ thuật hát bội

TP HCM và tỉnh Bình Định sẽ cùng tổ chức không gian văn hóa hát bội, bảo tồn và phát huy di sản quý của nghệ thuật dân tộc

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho rằng: "Không nên cải biên, sáng tạo quá mức để rồi đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc. Cần tập trung nguồn lực để củng cố những giá trị cốt lõi, giàu bản sắc của hát bội đến với khán giả hôm nay".

Bảo vệ khẩn cấp di sản quý

Ngày 3-12, tại tỉnh Bình Định, Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị chuyên đề "Công tác bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống và di sản văn hóa phi vật thể tại TP HCM và tỉnh Bình Định". Tham dự hội nghị có NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; ông Tạ Xuân Chánh, Giám Đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định; NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM; ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám Đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, các nghệ sĩ loại hình nghệ thuật tuồng, hát bội trên cả nước.

23 tham luận đầy tâm huyết của các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa về việc bảo vệ khẩn cấp di sản quý mà ông cha kiến tạo đã được trình bày, trao đổi, thảo luận tại hội nghị.

Sứ mệnh bảo vệ nghệ thuật hát bội - Ảnh 1.

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM (bìa phải, hàng đầu), tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ hát bội, tuồng trong chương trình giao lưu biểu diễn tối 3-12 tại tỉnh Bình Định

Theo các nhà nghiên cứu, loại hình nghệ thuật tuồng, hát bội của Việt Nam được hình thành từ khá sớm, đã manh nha từ thời Trần, rồi phát triển và hưng thịnh dưới thời Nguyễn. Hiện nay, sân khấu truyền thống đang dần khó tiếp cận khán giả, vai trò trong đời sống xã hội ngày càng giảm sút. Trước thực trạng trên, việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của sân khấu truyền thống trở thành vấn đề cấp bách.

"Vấn đề đặt ra là phải bảo tồn nguyên vẹn những gì vốn có của truyền thống, hay chỉ bảo tồn những cái đã qua quá trình thẩm định, chọn lọc, tức là đã cải biên, chỉnh lý. Trên thực tế, hát bội luôn vận động, biến đổi, kế thừa tạo thành truyền thống theo dòng chảy phát triển của thời gian" - nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn An Pha nêu ý kiến.

Các nhà nghiên cứu cho rằng thực trạng khó khăn của sân khấu hát bội hiện nay là chưa có những vở tuồng mới đủ tầm vóc, tải được những vấn đề xã hội, phát huy được sự tìm tòi, sáng tạo của tác giả. NSND Nguyễn Hòa Bình quan ngại rằng việc đưa âm nhạc mới vào hát bội phải xem xét tính hòa quyện, Bình Định nhiều năm qua đã đưa ca khúc mang âm hưởng dân ca vào hát bội, làm nhẹ đi sự căng thẳng, nặng nề vốn có trong kịch bản tuồng, hát bội và khán giả đã chấp nhận.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Tại hội nghị chuyên đề "Công tác bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống và di sản văn hóa phi vật thể tại TP HCM và tỉnh Bình Định", nhiều giải pháp bền vững, mang tính đồng bộ đã được đặt ra như: tháo gỡ vướng mắc về ngạch đào tạo diễn viên phải có bằng cấp 3 hoặc đã tốt nghiệp các trường nghệ thuật từ hệ cao đẳng trở lên vì chính điều này khiến nhiều hạt nhân trẻ của hát bội, tuồng không đủ điều kiện để xét tuyển; mức lương cần điều chỉnh cho thế hệ nghệ nhân giảng dạy; kết hợp 2 địa phương thực hiện việc quảng bá trên không gian mạng về nghệ thuật hát bội...

"Sự kết nối giữa 2 địa phương sẽ đầu tư đào tạo đội ngũ quản lý, đào tạo nguồn nhân lực đào tạo những tác giả có tư duy mới để đưa hát bội gần hơn với công chúng. Qua đó góp phần lan tỏa các giá trị tốt đẹp, nhân văn, bồi đắp nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước" - ông Tạ Xuân Chánh nhấn mạnh.

Tiến sĩ Võ Minh Hải (Trường Đại học Quy Nhơn) kiến nghị cần thực hiện ngay những bộ phim 3D về nghệ thuật hát bội, xây dựng bảo tàng hát bội Bình Định và tiến tới việc 2 địa phương xây dựng không gian văn hóa, nghệ thuật, trong đó quan trọng nhất là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp để bảo đảm hoạt động sáng tạo, giảng dạy của nghệ thuật truyền thống.

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng cần đề cao vai trò của công tác nghiên cứu lý luận phê bình, bởi sân khấu truyền thống là một hình thái của văn hóa, là sản phẩm của văn hóa. Muốn tìm hiểu, phát huy nền nghệ thuật sân khấu truyền thống thì trước hết phải bắt đầu từ văn hóa.

"Việc chỉnh biên một số tác phẩm sân khấu đã làm mất đi những nét nghệ thuật đặc sắc của vở diễn. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống cần phải đặt dưới cái nhìn biện chứng giữa tác phẩm sân khấu và phông văn hóa chung nơi nó sinh ra" - NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy nhận định. 

Hãy xem việc bảo vệ di sản hát bội là sứ mệnh cấp bách, vì nếu không hát bội sẽ bị mai một” - NSND Trần Ngọc Giàu nhấn mạnh.

Tác giả: Bài và ảnh: THANH HIỆP
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...