A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Nam: Liên kết ba trụ cột du lịch văn hóa, sinh thái và biển đảo

Với một loạt cơ chế ưu đãi được thực hiện để khôi phục du lịch, năm 2023, doanh thu du lịch Quảng Nam ước đạt xấp xỉ 8.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2022. Du lịch Quảng Nam đã thật sự phục hồi sau đại dịch. Năm 2024, các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch biển đảo là những trụ cột chính được Quảng Nam phát triển thành sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu liên kết với các trung tâm du lịch lớn trong cả nước nhằm lấy lại vị thế ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

*Phục hồi ấn tượng

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết: Sau khi dịch bệnh được khống chế và đẩy lùi, các hoạt động kích cầu, phục hồi, phát triển du lịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được tỉnh Quảng Nam triển khai quyết liệt, nhờ đó du lịch được phục hồi và tăng trưởng ấn tượng. Trong năm 2023, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 7.550.000 lượt, tăng 1,6 lần so với năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 3.870.000 lượt, tăng 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu du lịch năm 2023 ước đạt hơn 7.950 tỷ đồng, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 18.683 tỷ đồng. Dịp Tết Dương lịch 2024, tổng lượng khách tham quan và lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 103.000 lượt, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu hết sức khả quan để ngành du lịch Quảng Nam tiếp tục khôi phục đà tăng trưởng một cách mạnh mẽ.

Để làm tiền đề cho du lịch khôi phục và phát triển bền vững, năm 2023, các ngành, các địa phương đã triển khai một cách quyết liệt thực hiện, các Nghị quyết, Đề án (về xây dựng và phát triển thành phố Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030; Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam; Phát triển sự nghiệp văn hóa huyện Quế Sơn giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030; Phát triển du lịch vùng sâu trong đất liền), góp phần thu hút khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt những ngày cuối năm 2023, thành phố Hội An tổ chức lễ công bố Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, con người Hội An - Quảng Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Quảng Nam sau đại dịch COVID-19 vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục. Đó là nguồn khách du lịch nội địa giảm dần, sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và biển đảo chưa thật sự tương xứng với tiềm năng. Các hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch Quảng Nam trong và ngoài nước còn nhiều hạn chế. Do vậy, để phát huy thế mạnh tiềm năng trong việc xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng xanh, bền vững tạo sức hấp dẫn của điểm đến thì việc tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch với các điểm đến trong việc xây dựng các tour nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, lưu trú là nhu cầu hết sức bức thiết, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ.

*Liên kết ba trụ cột

Mỹ Sơn là một trong những điểm đến của du lịch Quảng Nam. Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ chia sẻ: Sản phẩm chính của Mỹ Sơn là hệ thống tháp cổ. Du khách đến đây có thể ứng dụng nhiều công nghệ hỗ trợ trong hoạt động tham quan. Đặc biệt trong năm 2023, chương trình liên kết giữa các địa phương sở hữu Di sản Văn hóa thế giới trong cả nước được Mỹ Sơn đẩy mạnh thực hiện. Đây là nền tảng để Mỹ Sơn vừa nâng cao khả năng quảng bá vừa trở thành một điểm kết nối trong chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa và biển đảo - thế mạnh của du lịch Quảng Nam. Nhờ có sự liên kết chặt chẽ này, năm 2023, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đón trên 360 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế trên 315 nghìn lượt, tăng hơn 300% so với năm 2022.

Liên kết giữa các trụ cột du lịch văn hóa, sinh thái và biển đảo đang là xu hướng phát triển tất yếu, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch Quảng Nam đang tiến đến mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm du lịch Xanh. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh nhấn mạnh, sau COVID-19, xu hướng du lịch chủ động đã dần chiếm ưu thế trong đại bộ phận khách quốc tế mỗi khi đến Việt Nam. Khách du lịch khi đến Hội An, Mỹ Sơn, biển đảo Cù Lao Chàm, khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh, khu du lịch Cổng trời Đông Giang đều muốn trải nghiệm theo hướng dẫn thông qua ứng dụng công nghệ, dùng công nghệ kết nối, chia sẻ về thông tin, tương tác điểm đến. Điều này giúp hoạt động du lịch trở nên đa dạng hơn, du khách vừa có cơ hội trải nghiệm, vừa giúp các điểm đến nâng cao tính linh hoạt trong kết nối, quảng bá với du khách trong và ngoài nước.

Đánh giá về tiềm năng liên kết giữa các điểm đến, các loại hình du lịch, Tổng Giám đốc Công ty Á Đông Villas Trần Thái Do phân tích: Tiềm năng du lịch Quảng Nam rất đa dạng và phong phú. Quảng Nam không chỉ sở hữu hai Di sản văn hóa thế giới, không gian biển đảo rộng lớn chưa được khai thác mà còn sở hữu hàng trăm điểm du lịch sinh thái, làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng. Nguồn tài nguyên này cần được liên kết lại với nhau để tạo ra lợi thế phát triển thành chuỗi sản phẩm du lịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, địa phương xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm dịch vụ du lịch của miền Trung và cả nước. Theo đó, năm 2024, Quảng Nam sẽ đẩy mạnh chương trình liên kết phát triển du lịch với Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, liên kết giữa các địa phương có Di sản Văn hóa thế giới, các trung tâm du lịch, các tỉnh, thành có biển và Tây Nguyên theo nguyên tắc cộng đồng cùng có lợi. Quảng Nam sở hữu hai di sản văn hóa thế giới là: Khu đền tháp Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An. Du lịch biển đảo với hạt nhân là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cùng với tiềm năng về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử là cầu nối trong hành trình kết nối di sản miền Trung và cả nước. Do vậy, liên kết các trụ cột du lịch văn hóa, sinh thái và biển đảo là xu hướng phát triển tất yếu./.

Đoàn Hữu Trung


Tác giả: Đoàn Hữu Trung
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết