A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phim Việt: Cần thêm diễn viên thủ vai phản diện

Phản diện hay còn gọi là vai ác, đối trọng với vai chính diện thường là lương thiện - chính trực.

Trong phim, nhân vật phản diện là nhân tố tạo nên những xung đột, căng thẳng, góp phần vào các điểm nhấn thắt mở để thúc đẩy sự phát triển của câu chuyện. Vì thế, nhân vật phản diện có tầm quan trọng trong phim không thua kém vai chính diện.

Hiện nay, phim Việt đang cần thêm nhiều diễn viên trẻ thủ vai phản diện tạo được bứt phá, dấu ấn riêng trong lòng khán giả. Để có được điều này, nhà làm phim cần đầu tư kịch bản chất lượng, xây dựng nhân vật có chiều sâu tâm lý và lực lượng diễn viên giỏi nghề có thể sáng tạo và thể hiện trọn vẹn tính phản diện trong nhân vật.

Những vai phản diện thành công thường khiến khán giả rất ghét, đôi lúc còn ghét sang cả diễn viên chuyên đóng loại vai này. Để hóa thân thành công, diễn viên phải hiểu rõ về nhân vật, lột tả sâu sắc và sự biến chuyển nội tâm nhằm thể hiện tính nham hiểm, độc ác của nhân vật trước màn ảnh.

Phim Việt: Cần thêm diễn viên thủ vai phản diện- Ảnh 1.

Diễn viên Jun Phạm vai phản diện luật sư Tuấn Kiệt trong phim “7 năm chưa cưới sẽ chia tay”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Trong làng phim Việt, những diễn viên gạo cội đã đóng rất nhiều vai phản diện thành công như: NSND Nguyễn Hải, NSND Trần Nhượng, NSƯT Kim Oanh, NSƯT Trương Minh Quốc Thái, Huy Cường, Thu Hà, Huỳnh Kiến An, Ngọc Lan, Quốc Quân, Phương Dung…

Trong đó, NSND Nguyễn Hải được nhớ đến với vai Trịnh Khả trong "Chuyện làng Nhô", Lê Thanh trong "Chạy án", lão Cấn của "Quỳnh búp bê"; NSND Trần Nhượng ghi dấu qua các phim: "Chủ tịch tỉnh", "Khi đàn chim trở về", "Bản di chúc bí ẩn"; NSƯT Kim Oanh là các vai: cô Ló trong phim "Ma làng", cô Mây trong "Sóng ở đáy sông", Thúy trong "Những giấc mơ dài"…

Tuy nhiên, thế hệ diễn viên trẻ hiện nay hóa thân được vai phản diện sắc nét, phô diễn cái ác tận sâu bên trong nhân vật chứ không phải qua hình thể bên ngoài lại không nhiều. Một số cái tên tạo chú ý có thể kể đến là Tuấn Anh, Duy Nam, Trọng Lân, Jun Phạm. Trong đó, Jun Phạm lần đầu thể hiện vai phản diện trên màn ảnh qua vai luật sư Tuấn Kiệt trong phim dài tập "7 năm chưa cưới sẽ chia tay" đã nhận được không ít lời khen từ khán giả.

Tuấn Anh hóa thân vai Bát trong phim truyền hình "Cuộc đời vẫn đẹp sao", Vương trong "Biệt dược đen"… Người trong giới cho rằng phim Việt cần nhiều gương mặt phản diện trẻ tạo được nét riêng, thuyết phục khán giả. Muốn có nhiều lực lượng này, đòi hỏi nhà làm phim phải đầu tư, tạo điều kiện "nuôi dưỡng" nhân lực trẻ. Việc tạo ra những kịch bản hay, xây dựng nhân vật phản diện có chiều sâu, phát triển tâm lý nhân vật hợp lý cũng góp phần phát triển hơn nữa lực lượng diễn viên trẻ thể hiện tốt loại vai này. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...