Phim kinh dị Việt: Cần sự bứt phá
Hàng loạt phim Việt thể loại kinh dị ra rạp thời gian gần đây có doanh thu phòng vé không như kỳ vọng, bị chê nhiều hơn khen
Ra rạp từ ngày 3-2, theo Box Office Việt Nam (trang thống kê phòng vé độc lập với sai số nhỏ), tính đến trưa 14-2, phim "Vong nhi" chỉ thu được hơn 16 tỉ đồng.
Nhiều phim "thảm họa"
"Vong nhi" - tác phẩm điện ảnh thứ hai của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường - vẫn đang trụ rạp nhưng số suất chiếu thấp hơn nhiều so với các phim ra mắt từ Tết Nguyên đán 2023 như "Nhà bà Nữ", "Chị chị em em 2" (phim Việt) hay "Muốn gặp anh" (phim nước ngoài). Điều đó cho thấy phim này chưa tạo được hiệu ứng truyền miệng, số khán giả xem giảm mạnh, suất chiếu giảm rõ rệt sau hơn 10 ngày ra rạp.
So với phim "Nhà không bán" thuộc thể loại kinh dị, giật gân cũng do Hoàng Tuấn Cường đạo diễn trước đó, "Vong nhi" không thành công trong việc lôi kéo khán giả đến rạp. "Nhà không bán" từng có khởi đầu chật vật, ít được biết đến nhưng sau đó "lội ngược dòng" thành công, nhận nhiều lời khen và thu được 40 tỉ đồng.
Không ít khán giả đã dành lời khen cho "Vong nhi" về diễn xuất tốt của Nhật Kim Anh, Lê Phương; tình tiết câu chuyện dễ hiểu, dễ nắm bắt; phim phù hợp với thể loại kinh dị, tâm linh và truyền tải được cảm xúc. Thế nhưng, nhiều ý kiến bày tỏ sự thất vọng với "Vong nhi", như: kỹ xảo kém; nội dung nhàm chán, dễ đoán; phim đề cập tình trạng nạo phá thai nhưng thể hiện chưa rõ ràng, thiếu thuyết phục, thậm chí gây hiểu lầm...
Một cảnh trong phim “Vong nhi”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Một nhà chuyên môn cho rằng "Vong nhi" thuộc loại đa tuyến - ngoài câu chuyện do Lê Phương đóng vai chính còn có câu chuyện của nhân vật do Nhật Kim Anh thể hiện được kể đan xen. Song, hai câu chuyện lại không hòa hợp nhau khiến khán giả tuột cảm xúc. Đang bị cuốn hút với chuyện của nhân vật mà Lê Phương thể hiện thì khán giả lại phải chuyển sang chuyện của nhân vật do Nhật Kim Anh đóng. Mạch cảm xúc cứ bị cắt ngang đột ngột làm người xem bị hẫng, ảnh hưởng đến câu chuyện tổng thể.
"Lời thoại trong "Vong nhi" quá sách vở, mang hơi hướng phim truyền hình xưa. Phim không tệ nhưng do tham lam trong cách kể, ôm đồm 2 tuyến truyện nên rối rắm, lan man" - YouTuber Phúc Drama nhận xét.
Trước đó, cuối năm 2022, phim "Đảo Độc Đắc: Tử mẫu Thiên linh cái" của đạo diễn Lê Bình cũng thuộc thể loại kinh dị, tâm linh. Phim quy tụ dàn diễn viên trẻ nhưng do nhiều lỗ hổng về kịch bản dẫn đến câu chuyện dài dòng, lan man, thiếu thuyết phục; doanh thu chỉ hơn 12 tỉ đồng. Phim tâm lý, giật gân có yếu tố kinh dị "Hạnh phúc máu" (đạo diễn Nguyễn Chung) cũng gặp nhiều hạn chế về kịch bản, dẫn đến vài tình tiết chưa hợp lý, diễn xuất của một số diễn viên còn nặng tính sân khấu; chỉ đạt doanh thu hơn 18 tỉ đồng.
Năm 2022, ngoài 2 phim vừa nêu còn có khá nhiều tác phẩm kinh dị, giật gân ra rạp. Trong đó, ngoài "Chuyện ma gần nhà" thu gần 59 tỉ đồng, "Cô gái từ quá khứ" thu hơn 53 tỉ đồng, "Mười: Lời nguyền trở lại" thu hơn 24 tỉ đồng, các phim còn lại đều bị chê nhiều hơn khen. Trong đó, "Cù lao xác sống", "Virus cuồng loạn" và "Duyên ma" còn được xem là "bộ ba thảm họa"!
Khai thác chủ đề mới
Phim kinh dị, giật gân gần đây được nhiều nhà sản xuất chọn lựa bởi không đòi hỏi kinh phí lớn như các dòng phim hành động, kỳ ảo. Trong khi đó, nhiều nhà làm phim đã có được thành tích nhất định, có khả năng kêu gọi đầu tư lại thích làm các dòng phim khác chứ không phải là kinh dị.
Theo chuyên viên truyền thông Châu Quang Phước, phim kinh dị vốn được nhiều khán giả trẻ yêu thích. Hiện nay, Thái Lan đạt nhiều thành công với dòng phim này. Phim kinh dị Việt ngoài vấn đề không dễ có được kịch bản chất lượng còn gặp khó ở khâu kiểm duyệt. Nhà làm phim phải rất thận trọng khi xây dựng kịch bản nhằm tránh vi phạm những quy chuẩn cộng đồng - nếu có yếu tố tâm linh.
Trước đây, thị trường phim Việt từng có một số phim kinh dị thu hút khán giả, như "Quả tim máu", "Lật mặt: Nhà có khách", "Thất Sơn tâm linh", "Bắc kim thang"… Tuy nhiên, sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, các dòng phim khác đã có sự bứt phá và lấn át phim kinh dị.
Nhà biên kịch Đông Hoa cho rằng để có được sự ủng hộ của khán giả, đòi hỏi phim kinh dị Việt phải có những thay đổi mạnh mẽ trong cách làm. Chẳng hạn, cần khai phá chủ đề mới, đầu tư tới nơi tới chốn cho quá trình sản xuất.
Điện ảnh Việt vẫn còn nhiều phim thể loại kinh dị, giật gân đang chờ ra rạp, như: "Người mặt trời" (đạo diễn Timothy Linh Bùi), "Móng vuốt" (đạo diễn Lê Thanh Sơn)… Ngoài ra, phim chuyển thể từ truyện "Tết ở làng địa ngục" do Trần Hữu Tấn thực hiện sắp bấm máy, hứa hẹn có sự đầu tư lớn về bối cảnh.
Người trong giới kỳ vọng những tác phẩm này sẽ tạo được sự bứt phá nhất định, nhất là phim "Móng vuốt" của đạo diễn từng thành công với "Em chưa 18" hay "Tết ở làng địa ngục" chuyển thể từ truyện ăn khách, có lượng người hâm mộ nhất định.
Đáng chú ý, "Người mặt trời" khai thác chủ đề mới lạ, chưa từng có ở phim Việt là ma cà rồng. Đạo diễn Timothy Linh Bùi nhận định thử thách lớn nhất khi kể câu chuyện này là việc phải xây dựng một thế giới ma cà rồng trong phim vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, diễn ra vào thời nay nhưng không phải là hiện tại.