NSƯT Hà Văn Trọng qua đời
NSƯT Hà Văn Trọng nổi tiếng với vai trò đạo diễn phim, trong đó có phim "Số đỏ". Ông cũng là diễn viên kịch, điện ảnh gạo cội, ghi dấu ấn khi vào vai Bác Hồ, các vị lãnh đạo cấp cao.
NSƯT Hà Văn Trọng
Gia đình NSƯT Hà Văn Trọng (sinh năm 1937) vừa báo tin ông qua đời sau thời gian điều trị căn bệnh hiểm nghèo. Ông trút hơi thở cuối cùng lúc 8 giờ 4 phút ngày 21-10, hưởng thọ 86 tuổi.
NSƯT Hà Văn Trọng nổi tiếng với vai trò đạo diễn qua các bộ phim như: "Kỷ niệm đồi trăng", "Số đỏ", "Đứa con của người hàng xóm"…
Hà Văn Trọng sinh năm 1937 tại Lào. Năm lên 10 tuổi, ông mới theo gia đình về nước. Ông mong ước trở thành diễn viên nên thi tuyển vào Nhà hát kịch Việt Nam.
Ông may mắn được nhà viết kịch, đạo diễn Lộng Chương và NSND Doãn Hoàng Giang cho gia nhập Đoàn kịch Thanh niên thuộc Thành đoàn Hà Nội khi vừa thành lập. ể mưu sinh, ban ngày ông làm nghề gánh đất, ban đêm sinh hoạt kịch.
Nhận ra tài năng của Hà Văn Trọng, đạo diễn Lộng Chương luôn dành vai diễn cho ông. Sau này, khi NSND Đình Quang mở lớp bồi dưỡng diễn viên sân khấu, ông quyết định đi học rồi trở lại Đoàn kịch Thanh niên.
Khi Đoàn kịch Thanh niên sáp nhập với Nhà hát Kịch Việt Nam, ông trở thành một trong những diễn viên chính của nhà hát, đảm nhận những vai chính trong các vở như "Lịch sử và nhân chứng", "Nila - Cô gái đánh trống trận", "Cơ sở trắng", "Anh Trỗi"…
NSƯT Hà Văn Trọng trong một bộ phim truyền hình
Trước đây, khi VTV phát sóng bộ phim nổi tiếng của đạo diễn NSND Hải Ninh: "Em bé Hà Nội", người yêu điện ảnh dễ dàng nhận thấy trong phim này, NSƯT Hà Văn Trọng vào vai cha của cô bé Ngọc Hà. Phim được sản xuất năm 1974, lúc NSƯT Hà Văn Trọng mới ngoài 30 tuổi. Ông đã tạc vào tâm trí người xem nhiều vai diễn rất điềm đạm, đầy cảm xúc.
Gần đây, ông tham gia bộ phim "Phía cuối cầu vồng", gây ấn tượng với vai chủ tịch hội đồng quản trị. Trước đó không lâu, ông tạo dấu ấn đậm nét qua hai phim: "Luật đời", "Đất và người"…để từ sau đó, ông liên tiếp nhận được lời mời đóng phim.
Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, cả trên sân khấu và điện ảnh, NSƯT Hà Văn Trọng có cơ hội được thử sức và thành công ở nhiều dạng vai khác nhau. Từ vai lãnh đạo cấp cao cho tới người lái đò, anh chạy xe ôm,... ông đều thể hiện tinh tế.
Song, một dấu son trong sự nghiệp diễn xuất của ông là hóa thân vào vai các vị lãnh đạo cao cấp. Khán giả từng xúc động khi xem NSƯT Hà Văn Trọng vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch "Lịch sử và nhân chứng" (đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang). Khi nhận vai diễn thể hiện hình tượng vị cha già của dân tộc, ông tâm niệm, bên cạnh hình thức thì điều quan trọng là phải thể hiện đúng thần thái, cốt cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều đầu tiên mà nghệ sĩ Hà Văn Trọng chú ý là nghiên cứu tiếng nói của Bác. Ông đến Đài Tiếng nói Việt Nam, mượn những chiếc băng có thu giọng nói của Bác để nghe và thẩm thấu cách thể hiện. Sự kỳ công đó mang về cho nghệ sĩ Hà Văn Trọng huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc.
Gần đây, khi được mời vào vai cố Tổng bí thư Lê Duẩn trong phim truyện nhựa "Giải phóng Sài Gòn" (đạo diễn Long Vân), ông cũng nghiên cứu rất nghiêm túc để hóa thân được thật "giống" nhà lãnh đạo tài ba này.
Ông từng kể, khi ông hóa trang, mặc trang phục xong, con gái của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng trầm trồ, công nhận là ông rất giống cha mình. Còn những vai lãnh đạo như cục trưởng, trưởng phòng, bí thư… thì ông đều thể hiện tốt. Riêng vai Thiếu tướng trong phim "Cổ cồn trắng" (sê-ri phim "Cảnh sát hình sự"), ông được giới chuyên môn khen ngợi khi hóa thân thành công nhân vật này.