Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội: Di sản cho mai sau
Triển lãm "Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội: Di sản cho mai sau" trong chuỗi hoạt động "Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh" đã thu hút đông đảo giới trẻ tại TP Hồ Chí Minh đến tham quan, tìm hiểu. Đây không chỉ là dịp để các bạn trẻ tìm hiểu sâu hơn về lịch sử mà còn là cơ hội để họ cảm nhận tinh hoa văn hóa và giá trị di sản của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận Di sản thế giới là minh chứng cho bề dày lịch sử nghìn năm của đất nước |
Triển lãm tái hiện lại những dấu ấn lịch sử thông qua các hiện vật, mô hình và hình ảnh về quá trình hình thành và phát triển của Hoàng thành từ thời kỳ tiền Thăng Long đến khi trở thành trung tâm quyền lực của các triều đại phong kiến Việt Nam |
Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng họ cảm thấy rất ấn tượng khi được trực tiếp nhìn thấy các hiện vật như các mẫu gạch cổ, các mảnh sành, sứ từ các triều đại khác nhau, những mô hình kiến trúc tái hiện lại cảnh quan Hoàng thành xưa. Những câu chuyện lịch sử được kể lại qua triển lãm giúp họ hiểu rõ hơn về sự trường tồn và phát triển của văn hóa Việt Nam |
Bên cạnh việc tìm hiểu về lịch sử, giới trẻ còn quan tâm đến cách thức bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong thời đại hiện nay. Qua đó, họ được truyền cảm hứng và hiểu rõ hơn về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa |
Bạn Thanh Khang, sinh viên trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh chia sẻ, việc tổ chức triển lãm “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội: Di sản cho mai sau” tại TP Hồ Chí Minh không chỉ mang đến cơ hội cho người dân thành phố hiểu thêm về văn hóa Hà Nội mà còn là dịp để thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của họ trong việc bảo tồn di sản |
Triển lãm đã tạo cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, khơi gợi tình yêu văn hóa và ý thức trách nhiệm của giới trẻ đối với những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc |
Với những thành công của triển lãm, có thể thấy rằng sự quan tâm của giới trẻ đối với các di sản văn hóa đang ngày càng tăng lên. Điều này không chỉ là một tín hiệu tích cực cho việc bảo tồn di sản mà còn là nền tảng để xây dựng một tương lai bền vững, nơi mà các giá trị lịch sử và văn hóa tiếp tục được phát huy và truyền lại cho các thế hệ sau |