Giữ nét đẹp sông Vàm Cỏ Đông qua lời ca, tiếng hát
Chiều 3/9, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Long An tổ chức họp mặt kỷ niệm Ngày âm nhạc Việt Nam 3/9. Tham dự có nhạc sĩ Trương Quang Lục, người thầy, người anh của nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam.
Ngày 3/9 hằng năm là Ngày hội tôn vinh nền âm nhạc nước nhà, là dịp để các nghệ sĩ, những người hoạt động trên lĩnh vực sáng tác âm nhạc tri ân thế hệ đi trước và giao lưu gặp gỡ, chia sẻ, động viên nhau trên lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của mình.
Ôn lại truyền thống, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Long An Nguyễn Tấn Quốc cho biết: Cách nay tròn 60 năm, ngày 3/9/1960, tại đêm Dạ hội Nhân dân Thủ đô mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ 3 Đảng lao động Việt Nam và chào mừng Kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra tại Công viên Bách thảo (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng và quần chúng nhân dân Thủ đô hát bài ca Kết đoàn. Sự kiện lịch sử này và khoảnh khắc ấy được Nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long ghi lại và cho đến nay chắc chúng ta điều biết qua tác phẩm “Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn” - một trong 4 tác phẩm nhiếp ảnh đầu tiên đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh vì nội dung tư tưởng, nghệ thuật và sự lan tỏa của nó. Sự kiện có tính biểu tượng này về sau trở thành ý tưởng, niềm cảm hứng để giới hoạt động âm nhạc tổ chức các hoạt động kỷ niệm Âm nhạc Việt Nam.
Tại Long An, từ thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945 (lúc bấy giờ là hai tỉnh Tân An - Chợ Lớn), Tỉnh ủy Tân An tập hợp một số thanh niên, học sinh có tinh thần yêu nước, tiến bộ như Huỳnh Văn Gấm, Lê Ngọc Quới (tức sau này là Nhà văn Khương Minh Ngọc - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật đầu tiên của Long An), xây dựng thành nòng cốt trong Thanh niên Tiền phong, thông qua lực lượng này, lập ra đoàn ca diễn, tuyên truyền ở nhiều nơi như rạp hát Cô Sáu ở tỉnh lỵ Tân An, ở các thị trấn, các đình làng, trường học, cả nơi có các cuộc mít tinh thu hút đông người, dùng âm nhạc với bài hát có nội dung yêu nước như Ải Chi Lăng, Sóng Bạch Đằng, Dòng Sông Hát, Hồn Tử Sĩ, Thanh Niên hành khúc, Lên Đàng, Xếp Bút Nghiên, Phụ nữ Việt Nam..., để khích lệ, góp phần khơi dậy lòng yêu nước trong thanh niên, nhằm tập hợp và tổ chức lực lượng cách mạng, tiến lên giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, chiến thắng Mộc Hóa trở thành một trong những niềm cảm hứng để nhạc phẩm Tiểu đoàn 307 (nhạc Nguyễn Hữu Trí, phỏng thơ Nguyễn Bính) ra đời. Chính Tiểu đoàn 307 mỗi khi vang lên luôn lay động lòng người bởi tính tráng ca như một hồi kèn xung trận, trở thành ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng, sống mãi với truyền thống anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam và lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung, quân dân Mộc Hóa - Đồng Tháp Mười, Long An - Khu 8 nói riêng, thôi thúc giục giã quân dân ta trong suốt hai cuộc kháng chiến và mãi về sau này.
Khi Long An cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoạt động sáng tác âm nhạc ở Long An chuyển mình và lớn mạnh lên theo phong trào cách mạng, phát huy mạnh mẽ vai trò tích cực cho đến ngày thống nhất đất nước 1975. Nhiều tác phẩm âm nhạc ra đời trong thời kỳ này được phổ biến rộng rãi và có sức lay động lớn, góp phần động viên cách mạng, thôi thúc thanh niên ra trận, vì sự nghiệp thống nhất đất nước, trong đó có tác phẩm Vàm Cỏ Đông rất nổi tiếng của nhạc sĩ Trương Quang Lục, phổ thơ Hoài Vũ. Qua âm nhạc, Long An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được cả nước biết đến, được cả nước mến yêu hơn về vùng đất chiến tranh ác liệt, nhưng nghĩa tình, thủy chung và rất đỗi hào hùng.
Sau ngày thống nhất đất nước, hoạt động sáng tác âm nhạc ở Long An tiếp tục được gây dựng, củng cố với việc thành lập Đoàn Ca múa Long An, Đài Phát thanh Long An vào năm 1978,… góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác phát triển mạnh, chỉ riêng trong đợt sáng tác năm 1978, có đến 85 ca khúc mới trong 938 tác phẩm thuộc các thể loại văn học nghệ thuật trong đợt phát động sáng tác năm này.
Từ sau khi Hội văn nghệ tỉnh chính thức được thành lập năm 1982, Chi hội âm nhạc được hình thành, nhiều ca khúc của các tác giả khác tiếp tục ra đời mang đậm dấu ấn Long An, đi vào lòng công chúng, như: Tiếng hát Long An trung dũng, kiên cường, Khúc hát quê hương, Mùa Lúa quê tôi, Một thoáng Đức Hòa, Hương Vàm Cỏ… bên cạnh đó là Lên ngàn (Hoàng Việt), Anh ở đầu sông, em cuối sông (nhạc Phan Huỳnh Điều, phổ thơ Hoài Vũ), Dòng sông và tiếng hát (Nguyễn Nam), Anh lại về bên sông Vàm Cỏ (Lưu Cầu), Vàm Cỏ thương nhớ (Duy Hồ), Đi trong hương tràm (Thuận Yến)…
Từ ấy đến nay, từ những hạt nhân nòng cốt như các nhạc sĩ Trịnh Hùng, Lê Phương, Võ Văn Bửu Thiết, Minh Sơn..., đến nay Chi hội âm nhạc Long An ngày càng phát triển lớn mạnh với hơn 58 hội viên, 1 Câu lạc bộ âm nhạc, nhiều hội viên, nhạc sĩ trẻ khẳng định vị trí nghệ thuật của mình với nhiều tác phẩm hay, xứng tầm, góp phần tiếp tục sứ mệnh, vai trò lịch sử mới trong việc chuyển tải những thông điệp, khát vọng về vùng đất, con người Long An đang từng ngày vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng, hội nhập và phát triển.
Trong năm 2024, Chi hội Âm nhạc tỉnh Long An tham gia tổ chức biểu diễn phục vụ hiệu quả các sự kiện văn hóa, chính trị trong tỉnh. Dàn dựng chương trình tham gia các Hội thi của tỉnh và khu vực đạt kết quả tốt, đặc biệt tại Liên hoan Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông, đơn vị Long An đạt Huy chương Vàng toàn đoàn, 2 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc tiết mục. Tham gia các cuộc thi sáng tác, trong đó có 1 tác giả đạt Giải II cấp Quân khu…
Ông Nguyễn Tấn Quốc cho biết, sau 10 năm được công nhận chính thức ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9, đây mới là lần đầu tiên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Long An tổ chức họp mặt kỷ niệm. Hoạt động kỷ niệm này trong thời gian tới sẽ là hoạt động chính thức diễn ra hằng năm.
Đây là dịp để anh, chị, em nghệ sĩ trong tỉnh cùng nhìn lại chặng đường đã qua và một năm hoạt động với những thuận lợi và khó khăn, những đóng góp và hạn chế, niềm vui và suy ngẫm, cả những hy vọng và băn khoăn, trăn trở… Đây cũng là dịp để các cấp lãnh đạo lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của anh, chị, em hoạt động trên lĩnh vực này, từ đó động viên, tạo điều kiện để âm nhạc tỉnh nhà "cháy mãi" ngọn lửa đam mê và cống hiến, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự nghiệp âm nhạc, văn hóa văn nghệ tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung./.
Đức Hạnh