CUỘC THI VIẾT "HƯƠNG VỊ TẾT": Nhớ nhắc má làm dưa kiệu ngày Tết
Xuân với tôi sẽ không còn vui nếu má không còn tỉ mẩn cắt gọt, phơi kiệu, làm nước mắm đường để ngâm hũ dưa kiệu rồi đợi con xa nhà về ăn Tết như năm nào
Đi học xa nhà ở Sài Gòn, vào những ngày gần Tết, tôi luôn gọi điện thoại về cho má ở quê nhà, nhắc má đừng quên làm dưa kiệu để ăn Tết. Tuy nhiên, dù cho tôi có nhắc hay không, hằng năm má vẫn không quên làm thật nhiều dưa kiệu cho cả nhà.
- Má ơi, năm nay má có làm dưa kiệu không?
- Có chứ, sao không con?
- Vậy má nhớ làm nhiều nhiều cho con về ăn nha!
- Tổ cha bây, ăn được bao nhiêu mà cứ đòi làm nhiều!
- Hì hì. Tại con thèm Tết quá má ơi!
Bắt đầu khoảng độ rằm tháng Chạp trở đi, khi không khí Tết đã tràn ngập đất trời, những cơn gió xuân se lạnh tràn về, má lại cặm cụi chuẩn bị những món ăn cho ngày Tết, trong đó có dưa kiệu.
Những bó kiệu, những củ cà rốt, củ cải trắng thì má mua ở chợ quê, còn quả đu đủ thì sẵn có từ những hàng cây trĩu quả trồng trước nhà.
Năm nào cũng vậy, mỗi lần Tết đến, trước sân nhà tôi cũng đều dậy lên mùi thơm thơm của dưa kiệu phơi nắng. Mà hầu như nhà nào ở quê tôi cũng vậy. Hễ cứ thấy nhà nhà có sàng kiệu hay sàng dưa món đem ra phơi trước nhà thì lúc đó ai cũng biết không khí xuân đã rộn ràng, một cái Tết nữa sắp về.
Hồi còn nhỏ, mỗi lần má làm dưa kiệu dưới bếp, tôi hay ngồi bên cạnh xem má làm nước mắm kiệu và giúp má làm những việc lặt vặt như cắt rễ kiệu, mang sàng kiệu ra phơi, trút kiệu, dưa món vào hũ... Tôi cũng đã học được một số bí kíp làm sao để có món dưa kiệu ngon nhưng má hay khiêm tốn nói "thực ra không có bí quyết gì cả. Cứ làm theo truyền thống lâu nay bà ngoại dạy má".
Gần Tết, trước sân nhà tôi dậy lên mùi thơm thơm của kiệu phơi nắng
Bí kíp đơn giản chỉ là: Muốn cho món mắm kiệu bảo quản lâu hơn và ngon hơn, không còn mùi hăng nồng, thì kiệu mua về phải trộn với tro bếp. Sau đó, rửa sạch và phơi sương một đêm, phơi một ngày nắng để kiệu và các thứ làm dưa món khác khô ráo, xoăn lại. Để cho dưa kiệu không bị mặn, vừa ăn, má nói cần hòa một lượng mắm và đường thích hợp.
Hũ củ kiệu của má làm trông thật ngon mắt. Khi ăn thật giòn, vị chua ngọt hòa quyện thấm đẫm đầu lưỡi. Mỗi khi ăn, má thường dặn chúng tôi dùng đũa sạch gắp ra, nếu không kiệu dễ bị hư. Thế nhưng, nhiều lúc vì thèm ăn hay vội ăn quá, chị em tôi lén dùng muỗng múc đầy tô lớn để ăn. Đứa nào đứa nấy ăn vèo một loáng đã hết. Má thì không hề hay biết.
Nhớ lại cảnh má hì hục làm dưa món dưới gian bếp cũ, thỉnh thoảng nở một nụ cười hiền từ với tôi khi tôi thắc mắc hỏi đủ thứ chuyện trên đời, tôi thấy thương má vô cùng.
Những ngày Tết, hễ có hàng xóm hay người thân, họ hàng nào đến thăm, chúc Tết thì má đều dọn món kiệu này mời. Mọi người đều tấm tắc khen món mắm kiệu của má ngon ngọt, vừa miệng.
Có những năm tháng ở quê nhà còn nhiều khó khăn, khốn khó, nhà tôi thường đón tết trong cảnh thiếu ăn thiếu mặc, không thể sắm sửa, chuẩn bị nhiều thịt cá, thức ăn. Cả nhà thường hay ăn dưa món với cơm thay cho thức ăn mà không cần thịt cá. Chỉ cần sau khi cúng ông bà, lúc dọn món dưa kiệu ra, cả nhà cùng ăn cơm nóng, chưa kịp dọn hết món đã hết nồi cơm rồi.
Không chỉ thế, chị em tôi còn hảo nhất món bánh chưng hay bánh tét chiên giòn chấm mắm kiệu của má làm, vị ngọt ngọt, mặn mặn và hơi cay cay vị ớt. Chị em tôi ăn đến phát no, ăn hoài không biết ngán...
Tất nhiên làm sao có thể ngán được khi mùi thơm ngon, giòn giòn của củ kiệu, cà rốt hay đu đủ, cộng với mùi thơm của bánh nếp và cái béo ngậy của mỡ hành bánh chưng, bánh tét… được chứ?
Hũ kiệu làm sẵn được bày bán rất nhiều ở quê tôi, nhưng được ăn hũ kiệu má làm ngày Tết thì tuyệt vời hơn cả
Chị em tôi hay tranh giành nhau ăn trong những bữa cơm đầm ấm sum họp cùng gia đình. Hồi tưởng lại những kỷ niệm Tết ấy, tôi thấy lòng ấm áp và mong quay lại những năm tháng tuổi thơ.
Ăn Tết xong, tôi trở vào Sài Gòn tiếp tục học và đi làm. Trong những thứ quà quê mà má gói ghém lỉnh kỉnh bỏ vào ba lô cho tôi vào biếu bạn bè cùng phòng ký túc xá, chắc chắn không thể thiếu những hũ mắm kiệu. Má thường làm để dành riêng cho tôi mang vào để dành ăn hoặc chia sẻ với bạn bè.
Nghe đám bạn cùng phòng tấm tắc khen mùi vị củ kiệu ngon, vừa miệng, tôi thầm biết ơn má đã làm nên món dưa kiệu đặc trưng của ngày Tết. Hũ dưa kiệu của má chất chứa biết bao tình yêu thương với gia đình, gìn giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dòng họ, của dân tộc Việt Nam.
Mặc dù hiện nay, có một số hũ dưa kiệu đã được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm bày bán đầy chợ, trưng bày bắt mắt trong siêu thị… nhưng với tôi, hũ kiệu tự làm của má vẫn ngon hơn gấp nhiều lần. Tôi cũng đã học và làm được hũ kiệu như má đã làm nhưng chắc có lẽ thành phẩm sẽ không sánh được với hũ kiệu được kết tinh từ sự cẩn thận, đôi bàn tay khéo léo, cần cù, đảm đang của má.
Hằng năm, dù khó khăn, thiếu thốn, ít nhiều, má cũng phải mua kiệu về làm, bởi đây là món ăn cội nguồn, truyền thống của gia đình. Dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều khốn khó nhưng má đã luôn nỗ lực mang đến những niềm hạnh phúc, cầu mong sự sung túc, đủ đầy cho cả nhà trong những ngày năm hết, Tết đến. Đó cũng là bài học quý báu mà tôi nhận được từ má.
- Má ơi, để con làm thử nha. Má chỉ cho con làm sao cho ngon, chứ lỡ sau này má không còn.
- Tổ cha bây, toàn nói điều gở không hà. Thôi, để má chỉ cho nè!
Tôi cười hì hì nhưng trong lòng dâng lên cảm giác buồn man mác.
Có lẽ những ngày Tết sau này của tôi sẽ thiếu đi những hương vị đặc trưng, nếu như kiệu tươi còn nguyên rễ, lá không còn bày bán ngoài chợ mỗi dịp Tết đến xuân về.
Xuân với tôi sẽ không còn vui nếu như má không còn giữ thói quen tỉ mẩn cắt gọt, phơi kiệu, làm nước mắm đường thật ngon bỏ vào hũ ngâm rồi chờ đợi mấy đứa con xa nhà về ăn như năm nào.
Tết cũng sẽ buồn lắm, nếu như không còn được nhìn thấy má với bóng dáng tảo tần, cái lưng khòm khòm, gương mặt phúc hậu, hết mực thương yêu chồng con, khéo tay hay làm dưa món, củ kiệu cho chị em chúng tôi mỗi dịp xuân về.