A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần mô hình Maypaperflower cho nón lá Huế

Nón lá Huế nổi tiếng từ lâu nay nhưng dần mai một nên cần có quy hoạch, xây dựng mô hình để tồn tại.

Chợ Đông Ba nằm ở trung tâm TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế lâu nay được khách du lịch ghé tới để chọn mua chiếc nón bài thơ làm quà lưu niệm. Tại ngôi chợ truyền thống này có hơn 200 quầy bán nón, trong đó tập trung nhiều nhất ở khu vực lầu Chuông.

Bà Lê Thị Kim Anh - 57 tuổi, một tiểu thương bán hàng nón lá ở lầu Chuông - cho biết trung bình mỗi ngày bà bán được hơn 20 chiếc nón cho khách du lịch nên thu nhập cũng ổn định. Cửa hàng của bà có các mặt hàng nón rất đa dạng, như nón làm từ lá cỏ, nón lá sen, lá bàng… nên du khách có nhiều sự lựa chọn.

Ông Dương Hồng Lam, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa gia đình Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói nón lá Huế có những đặc trưng riêng về màu sắc, kiểu dáng, kích thước, trọng lượng, độ bền. Chiếc nón lá Huế mỏng, nhẹ, thanh tao, mềm mại, cân đối... đã tạo nên sự khác biệt so với chiếc nón ở các địa phương khác.

Nón lá Huế đã đăng ký và được bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2010. Vùng nguyên liệu lá nón tập trung ở huyện miền núi A Lưới và Nam Đông. Vùng nguyên liệu làm vành nón được lấy ở Bình Tiến (thị xã Hương Trà), còn vùng sơ chế nguyên liệu lá nón ở phường Phước Vĩnh, An Hòa (TP Huế).

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế, trước đây làm nón là một trong những nghề phát triển khá mạnh và là thu nhập chính của nhiều hộ dân của các làng nghề. Tuy không phải là sản phẩm xuất khẩu nhưng số lượng nón sản xuất và tiêu thụ hằng năm lên đến hàng triệu chiếc, giá trị doanh thu hàng chục tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho gần 10.000 lao động chuyên nghiệp và nông nhàn. Hiện nay, do xu thế thành thị hóa nông thôn, nhu cầu sử dụng và thị hiếu tiêu dùng trong xã hội biến đổi nên sản lượng nón lá hằng năm giảm sút mạnh. Tuy vậy, nón lá Huế vẫn được nhiều du khách mến chuộng, là một trong những món quà lưu niệm của du khách khi đến Huế.

Cần mô hình Maypaperflower cho nón lá Huế - Ảnh 1.

Nón lá Huế bán tại chợ Đông Ba

Nhưng hiện nay hầu hết các cơ sở sản xuất nón lá đều có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình, sử dụng lao động nhàn rỗi và hoạt động theo hình thức tự sản xuất, tự tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc quảng bá sản phẩm chưa được triển khai, các kênh thương mại cho sản phẩm vẫn còn tự phát.

ThS Nguyễn Thị Minh Hương, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế, lý giải xu hướng hiện nay là bán cái thị trường cần chứ không bán cái mình có. "Các cơ quan chức năng thường tập trung cho việc bảo tồn sản phẩm nón lá Huế được đăng ký chỉ dẫn địa lý mà bỏ qua việc xác định rõ đâu là thị trường của sản phẩm này, khách hàng mục tiêu là ai, họ mong muốn gì từ sản phẩm. Đây là vấn đề khó giải đáp" - bà Hương nêu vấn đề.

Bà Hương gợi ý về mô hình Maypaperflower - một "start-up nghề truyền thống" áp dụng để làm sống lại hoa giấy Thanh Tiên ở xã Phú Mậu, TP Huế - để nghề truyền thống nón lá có thể học hỏi. "Maypaperflower ra đời với mục đích khai thác nét đẹp văn hóa của hoa giấy Thanh Tiên nhưng phải phù hợp với xu hướng thời đại. Nó tạo nên sự kết hợp mới mẻ giữa hoa giấy truyền thống và nghệ thuật đương đại" - bà Hương phân tích.

Ông Dương Hồng Lam cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, khẳng định thương hiệu, phát triển thương hiệu nón lá Huế. Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Huế" cho sản phẩm nón lá Huế. Gắn phát triển nón lá Huế với áo dài Huế và khai thác các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống để hình thành chuỗi sản phẩm, hoạt động văn hóa thu hút khách du lịch. Quy hoạch, phát triển các làng nghề truyền thống làm nón lá, khai thác không gian, cảnh quan văn hóa, hình thành các điểm tham quan, du lịch. 


Tác giả: Bài và ảnh: Quang Nhật
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết