Cạn kiệt diễn viên giỏi cho sân khấu
Các nhà chuyên môn cho rằng hằng năm cứ đến hẹn lại lên, nhiều cuộc thi ở lĩnh vực sân khấu (cải lương, kịch nói...) được tổ chức dẫn đến cạn kiệt nguồn thí sinh
Cuộc thi cải lương "Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền" năm 2023 đang diễn ra tại TP Cần Thơ. Cuộc thi này là sân chơi cho các tỉnh khu vực ĐBSCL, tuy vậy ở cuộc thi năm nay chỉ có 43 thí sinh đến từ các đoàn nghệ thuật cải lương các tỉnh Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Trà Vinh, Hậu Giang…
Cạn nguồn thí sinh, bám "bài tủ"
Rất nhiều cuộc thi như "Tài năng diễn viên kịch nói toàn quốc 2023", "Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc 2023", "Bông lúa vàng", "Chuông vàng vọng cổ"... được tổ chức và lực lượng thí sinh tranh tài ở các cuộc thi này đang là bài toán khó đối với các ban tổ chức.
Những người trong cuộc cho hay một số cuộc thi ít thí sinh dự thi là do cuộc thi tổ chức ở xa, không thực sự thuận lợi cho các nghệ sĩ TP HCM tham gia tranh tài. Hoạt động nghệ thuật ở TP HCM chủ yếu là các sân khấu xã hội hóa, sống từ tiền bán vé. Do kinh phí eo hẹp nên rất khó khăn trong việc khăn gói lên đường dự thi. "Thời gian qua chúng ta lên án quá nhiều cuộc thi sắc đẹp, hoa hậu thì sân khấu cũng tương tự. Các cuộc thi dày đặc vẫn tổ chức, vẫn trao giải nhưng sàn diễn thì không bán được vé, diễn viên tài năng được công nhận không có đất để dụng võ" - ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (Nhà hát Kịch IDECAF) trăn trở.
NSƯT Ca Lê Hồng cũng tâm tư: "Quá nhiều cuộc thi được tổ chức song hiệu quả đạt được không cao, vì nhiều thí sinh sau khi có giải chưa đủ lực để diễn. Vốn liếng quý từ nguồn nhân lực đâu phải có mãi".
Nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung (Hội Sân khấu TP Cần Thơ) cũng nhìn nhận: "Nhiều thí sinh dự thi chỉ biết ca "3 bài Nam, 6 bài Bắc và bài vọng cổ". Để có thể trở thành diễn viên tài năng không thể chỉ có bấy nhiêu "bài tủ" đó. Chính điều này dẫn đến hệ lụy một số thí sinh đoạt giải nhưng chỉ diễn đúng một trích đoạn, không diễn được vở nào khác".
Một tiết mục của cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang”
Đâu phải dễ thành nghệ sĩ!
Ở mỗi cuộc thi, ngành sân khấu luôn kỳ vọng sẽ có nhiều hạt nhân mới để cung cấp cho các đơn vị nghệ thuật. Về tiêu chí chấm thi, các hội đồng nghệ thuật đều đặt lên hàng đầu việc tìm ra nhân tố có khả năng ca, diễn xuất tốt. NSƯT Ca Lê Hồng cho biết: "Khi chấm thi, chúng tôi chú trọng vào thái độ ứng biến của diễn viên, để nhận biết họ được đào tạo như thế nào hoặc chỉ tham gia từ năng khiếu bẩm sinh. Vì thế rất cần phân biệt 2 giải thưởng: thí sinh triển vọng và thí sinh đủ năng lực đoạt HCV".
Theo các nhà chuyên môn, không thể phủ nhận độ phủ sóng của các chương trình truyền hình, sự nở rộ của sân khấu đã tạo sức hấp dẫn cho ngành diễn viên cũng như kích thích sự đam mê của các bạn trẻ. Nhưng với nghệ thuật ca, diễn xuất, không thể lấy số lượng làm tiêu chí. Muốn phát hiện diễn viên tài năng không thể tổ chức ồ ạt các cuộc thi rồi sẽ đào tạo lại. "Làm như thế sẽ hỏng tài năng sân khấu, giảm giá trị nghệ thuật đích thực, nhất là nét đặc thù của từng diễn viên" - NSND Đinh Bằng Phi bày tỏ.
NSND Đinh Bằng Phi dẫn chứng vì sao các nghệ sĩ từng được cho là thế hệ vàng của sân khấu cải lương như: Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Phượng Liên, Phương Quang, Tấn Tài, Thanh Thanh Hoa, Mỹ Châu… đều có nét riêng trong ca, diễn là vì họ không tranh tài theo phong trào. HCV Giải Thanh Tâm là bước khởi đầu để họ tự thân vươn tới, hoạch định hướng đi của mình và được công chúng chấp nhận.
Theo NSND Ngọc Giàu, vừa đoạt HCV vẫn chưa là nghệ sĩ, chỉ là ở mức diễn viên, vì chỉ diễn được vài bài, hóa thân một vài vai diễn thì không thể ngộ nhận mình là nghệ sĩ. Danh xưng nghệ sĩ rất cao quý, để chạm đến thì phải rèn luyện cam khổ.
Theo nhận định của giới nghiên cứu, chính vì quá nhiều cuộc thi được tổ chức dày đặc, sàn diễn cả nước rơi vào thế làm nghề chỉ để đi thi, câu chuyện thất bại, thành công từ các cuộc thi cứ dài vô tận. Mà một nền sân khấu chỉ có diễn viên chuyên đi thi cốt để đủ số lượng giải thưởng xét tặng danh hiệu thì quả là nguy hại.