Bừng sáng di sản bên bờ sông Hồng
Chương trình “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội thiết kế sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2023 trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, do UBND quận Bắc Từ Liêm phối hợp với báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức vào tối 18/11, nhằm lan toả giá trị di sản, truyền thống văn hoá dân tộc...
Bên lề sự kiện này, chúng tôi có cuộc trò truyện với bà Lê Thị Thu Hương - Uỷ viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND Quận Bắc Từ Liêm - Trưởng Ban chỉ đạo chương trình.
Đình Chèm linh thiêng, uy nghi bên bờ sông Hồng |
- PV: Chương trình “Linh thiêng đình Chèm – Dòng chảy tinh hoa” lần đầu tiên được quận tổ chức tại không gian của ngôi đình Chèm cổ kính. Quận đã có sự chuẩn bị như thế nào để sự kiện này diễn ra một cách an toàn, thành công?
Bà Lê Thị Thu Hương - Uỷ viên Ban thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND Quận Bắc Từ Liêm |
- Bà Lê Thị Thu Hương: “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” là chương trình nghệ thuật đặc biệt lần đầu tiên được tổ chức tại không gian của ngôi đình Chèm ngàn năm cổ kính. Sau khi nhận được kế hoạch của thành phố Hà Nội, chúng tôi đã lên ý tưởng sự kiện, xin ý kiến các cấp ngành thành phố, đồng thời thực hiện nghiên cứu kỹ các văn bản, lịch sử, xây dựng chương trình, khảo sát địa điểm, giao thông đi lại...
Sau đó, quận thiết lập các ê kíp, liên hệ các bên liên quan, thành lập nhiều ê kíp nhỏ để phân công quản lý công việc được hiệu quả. Tới nay, công tác chuẩn bị đảm bảo tiến độ. Công tác tổ chức sự kiện đang đi vào những khâu cuối cùng.
- PV: Là người con gắn bó với Hà Nội, bà có thể chia sẻ về tầm quan trọng của văn hoá và chiều sâu nền tảng văn hoá đặc trưng của mảnh đất Bắc Từ Liêm nói riêng và Hà Nội nói chung?
Bà Lê Thị Thu Hương cùng các thành viên Ban chỉ đạo, tổ chức chương trình “Linh thiêng đình Chèm – Dòng chảy tinh hoa”diễn ra tối 18/11. |
- Bà Lê Thị Thu Hương: Nhận thức về tầm vóc, chiều sâu văn hoá của người Hà Nội xưa và nay, quận Bắc Từ Liêm luôn xác định văn hóa là nguồn lực vô cùng quý báu, cần được đầu tư, khai thác. Đồng thời, việc bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa là nhiệm vụ phải được thực hiện thường xuyên. Vì vậy, chúng tôi đang tăng cường đầu tư hạ tầng kết nối, mở rộng giao lưu, lan tỏa các giá trị văn hóa lịch sử của địa phương...
Địa phương có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh về văn hóa lịch sử. Trong đó có 136 di tích, 35 di sản văn hóa phi vật thể, 63 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa (gồm 1 di tích quốc đặc biệt, 48 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp TP), 73 cơ sở thờ tự... Quận còn có 29 lễ hội với 3 lễ hội được đưa vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có lễ hội đình Chèm...
Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm tặng sách và hoa tới các thành viên Ban tổ chức chương trình “Linh thiêng đình Chèm – Dòng chảy tinh hoa” |
- PV: Theo bà, đâu là sự khác biệt và đổi mới, hấp dẫn của chương trình “Linh thiêng đình Chèm – Dòng chảy tinh hoa”? Bà có kỳ vọng như thế nào về chương trình này?
- Bà Lê Thị Thu Hương: Chúng tôi mong muốn thông qua đình Chèm mà bạn bè trong nước, quốc tế biết tới lịch sử đình Hà Nội, lịch sử đình Chèm, lịch sử của quận Bắc Từ Liêm. Từ đây mở ra các hoạt động lan tỏa kết nối văn hóa giữa Bắc Từ Liêm và các quận, huyện, tỉnh, thành cả nước, bạn bè quốc tế.
Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” còn nhằm giới thiệu về ngôi đình linh thiêng bên sông Hồng nhằm nâng cao lối sống của Nhân dân trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Ngôi đình Chèm ngàn năm cổ kính nhìn ra sông Hồng |
Đặc biệt chương trình sẽ có 2 sân khấu, trong đó lần đầu tiên trên sông Hồng sẽ có một sân khấu thực cảnh do tổng đạo diễn Mai Thanh Tùng lên ý tưởng và dàn dựng, hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả một trải nghiệm vô cùng lý thú.
Bằng nghệ thuật biểu diễn, bằng trực quan, âm thanh và công nghệ 3D hiện đại, lớp khán giả cũng sẽ dễ dàng tiếp cận và từ đó biết trân trọng, gìn giữ và ứng xử văn minh với những di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, để những di tích, di sản được “đánh thức” và “bừng sáng”...
- PV: Thực hiện Chương trình 06/Ctr-TU về xây dựng và phát triển người Hà Nội thanh lịch, văn minh và Nghị quyết 09/NQ-TU về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, bà có thể cho biết, quận Bắc Từ Liếm đã khai thác thế mạnh tiềm năng về di tích lịch sử, văn hóa, kinh tế- xã hội trên địa bàn như thế nào?
Ngôi đình này là di tích đặc biệt quốc gia |
- Bà Lê Thị Thu Hương: Thực hiện Chương trình 06/Ctr-TU về xây dựng và phát triển người Hà Nội thanh lịch, văn minh và Nghị quyết 09/NQ-TU về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, chúng tôi đã triển khai rà soát kỹ các nội dung liên quan trên tất cả các mảng, xây dựng kế hoạch lớn, kế hoạch chuyên đề thực hiện các chương trình trên. Trong đó, chương trình “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” lần này là một nội dung nằm trong một nghị quyết chuyên đề của quận.
Thời gian qua, quận đã triển khai nhiều dự án lớn về giao thông như: Xây dựng trục Tây Thăng Long, trục đường Vành đai 3, 5... nhằm tăng tính kết nối giữa quận với các địa phương, giúp Bắc Từ Liêm giao lưu văn hóa với các quận, huyện, tỉnh, thành; đặc biệt là kết nối, lan tỏa hoạt động văn hóa lịch sử, phát huy thế mạnh từ các di tích lịch sử trên địa bàn.
Cuốn sách về di sản đình Chèm |
Trong thời gian tới, quận Bắc Từ Liêm sẽ triển khai đầu tư các vườn hoa, cây xanh khu đô thị theo dọc trục Tây Thăng Long; Hoàn thành mới 15 trường học nhằm xây dựng văn hóa từ học đường để sớm xây dựng con người văn minh. Đồng thời, quận sẽ triển khai 2 tour du lịch kết nối làng hoa, các điểm di tích; Phối hợp với các quận, huyện hai bên dải sông Hồng để phát triển du lịch tâm linh...
Đình Chèm đã được nhận bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt của Chính phủ với những giá trị độc đáo về kiến trúc, văn hóa |
Chúng tôi mong muốn thông qua chương trình này sẽ giúp mọi người được biết tới lịch sử đình Chèm, lịch sử của quận Bắc Từ Liêm; từ đây mở ra các hoạt động lan tỏa kết nối văn hóa giữa Bắc Từ Liêm và các quận, huyện, tỉnh, thành...trong thời gian tới.
- PV: Trân trọng cảm ơn bà!