"Bên nhau ngày Tết": Nhớ về những mùa xuân
Khi đặt chân xuống sân bay Berlin - Đức, tôi đã khóc rất nhiều vì biết đã đến một nơi rất xa cha mẹ, các em và sắp tới, tôi sẽ phải đón những cái Tết tha hương một mình.
Cách nay gần 50 năm, những ngày giáp Tết Quý Sửu (năm 1973), cha tôi có chuyến hàng Tết đi Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Trường học đã nghỉ Tết nên tôi xin cha cho đi theo để tham quan xứ lạnh vào dịp cuối năm vì tôi muốn được tiếp xúc với khí hậu ở miền núi. Cha tôi là tài xế xe tải chuyên chở những chuyến hàng đi các tỉnh miền Đông, Trung Nam Bộ. Chú phụ xe đã xin nghỉ về quê ăn Tết nên tôi được cha cho đi theo với điều kiện phải làm lơ xe cho cha. Tôi rất tò mò, không biết thế nào là lơ xe.
Cha tôi giải thích rằng tới mỗi trạm kiểm soát, tôi phải nhanh chóng nhảy xuống xe, cầm xấp hóa đơn hàng, giấy tờ xe kèm theo tiền phí đến trình cho nhân viên. Đến trạm đầu tiên, tôi hăm hở lẫn thích thú làm theo lời cha tôi nói.
Nhân viên trạm kiểm soát nhìn thấy một con bé nhỏ như cái kẹo lon ton chạy tới bèn hỏi. Sau khi biết chuyện, họ ngẩn người ra và nói với nhau: "Lơ xe gì nhỏ xíu mà lại là con gái nữa?". Một người lớn tuổi nhất nói: "Thôi cho xe qua đi!" và quên thu cả tiền phí. Lúc đó tôi 16 tuổi mà bé tí tẹo. Thế là suốt chuyến đi đến Buôn Ma Thuột, không ai thu phí của xe tôi.
Giao xong chuyến hàng, cha con tôi quay xe về Sài Gòn. Khi xe đang bon bon trên quốc lộ, tôi nghe tin tức từ chiếc radio nhỏ trong xe cho biết mặc dù Hiệp định Paris đã được ký kết vào ngày 27-1-1973 và có hiệu lực ngay hôm sau nhưng có một số nơi không tuân thủ nên vẫn còn giao tranh và nổ súng lẻ tẻ. Quốc lộ tạm dừng lưu thông để chờ thông báo mới.
Lúc đó là chiều 23 Tết, xe của cha con tôi đã đến Phan Thiết. Tôi tròn mắt ngạc nhiên khi thấy trước xe của cha con tôi là một đoàn xe dài đang dừng lại và phía sau các xe cũng nối đuôi nhau. Mọi người nhốn nháo xuống xe xem chuyện gì đang xảy ra và khi biết lý do,, mọi người lại kéo nhau vào các quán ăn ven đường để ăn tối. Sau khi ăn qua loa, cha con tôi phải ngủ trong xe chờ đến sáng mai xem có được đi tiếp vô Sài Gòn hay không.
Nằm thao thức mãi mà không ngủ được, tôi mong sáng mai về nhà sớm phụ mẹ làm mứt Tết, còn cha tôi chuẩn bị nguyên liệu gói bánh tét để gia đình đón giao thừa với đầy đủ bánh mứt đậm đà hương vị ngày Xuân. Chắc giờ này ở nhà, mẹ tôi đã cúng đưa ông Táo về Trời. Đây là lần đầu tiên tôi không được phụ mẹ bày mâm cúng trong căn bếp nhỏ nhưng gọn gàng của nhà mình.
Sáng hôm sau, cả đoàn xe lăn bánh, ai cũng hy vọng sẽ được về Sài Gòn trước Tết. Xe chạy đến ga xe lửa Mường Mán thì cha tôi nói không đi được nữa rồi vì dây thép gai giăng ngang đường, có tấm biển thông báo các xe không được lưu thông chờ tin mới.
Tinh nghịch như con trai, tôi leo lên mui xe nhìn thấy một đoàn xe dài hơn chiều hôm qua. Thấy ai cũng bồn chồn, lo lắng, tôi thầm cầu nguyện cho xe mau được lưu thông để mọi người sớm được về đón năm mới với gia đình. Giao tranh đang diễn ra ở đây, tôi nghe thấy tiếng súng khắp nơi, trực thăng thì lượn kín trên bầu trời.
Để an toàn, buổi chiều, cả đoàn xe phải quay lại Phan Thiết. Tôi lang thang ngoài bãi biển đông người. Hoàng hôn trên biển đẹp quá! Vô tình tôi nhìn thấy những chiếc vỏ ốc xà cừ lấp lánh dưới ánh mặt trời yếu ớt đang khuất dần ở phía chân trời. Tôi nhặt chúng lên và nhét đầy hai túi áo khoác, thầm nghĩ sẽ mang về làm quà cho các em.
May mắn là đến sáng 29 Tết, giao thông trở lại bình thường. Thế là cha con tôi an toàn về đến Sài Gòn sau một tuần kẹt lại ở Phan Thiết. Đêm 29 Tết, vừa xuống xe bước vào nhà, tôi ôm chầm lấy mẹ khóc nức nở. Mẹ nhìn cha con tôi rồi hỏi: " Sao hai cha con ốm và đen nhẻm thế này?". Tôi vừa khóc vừa kể lể nào là cả tuần ăn cơm hàng cháo chợ, nào là phơi nắng và hứng gió biển, nào là lo lắng không ngủ được…
Sáng 30 Tết, mẹ tôi tất bật chuẩn bị mâm cơm tất niên. Cha tôi trong bộ đồ tươm tất lầm rầm khấn vái đón ông bà về ăn Tết với con cháu. Mẹ tôi đã kịp mua cho mỗi đứa em hai bộ quần áo mới. Các em tôi còn nhỏ: đứa út mới 3 tuổi, đứa kế út 6 tuổi, em kế tôi 11 tuổi. Nhìn các em xúng xính trong bộ quần áo mới ngồi quây quần bên mâm cơm sum vầy ngày Tết cùng với tiếng nói cười rộn rã quyện vào không khí ấm cúng, tôi thấy thật vui và hạnh phúc khi cha con tôi kịp về cùng đón giao thừa với cả nhà.
Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất. 5 năm sau, tôi được nhận vào làm ở Xí nghiệp may Hòa Bình, thuộc phân xưởng may hàng xuất khẩu sang Đông Đức và Tiệp Khắc. Nhờ làm việc tốt và có tay nghề cao nên tôi được chọn đi hợp tác lao động ở Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức cũ). Vào một ngày cuối tháng 10-1988, khi đặt chân xuống sân bay Berlin, tôi đã khóc rất nhiều vì biết đã đến một nơi rất xa cha mẹ, các em và sắp tới tôi sẽ phải đón những cái Tết tha hương một mình.
Đi chùa ngày mùng 1 Tết Canh Tý (2020)
Là cái Tết đầu tiên xa nhà nên tôi rất nhớ cha mẹ, các em và bạn bè. Tôi nhớ mùi hương trầm đêm giao thừa, nhớ mùi thơm nhè nhẹ tỏa ra từ những chùm hoa mai vàng nở rực sáng mùng 1 Tết - cây mai mà cha tôi đã bỏ công chăm sóc cả năm và tước lá vào ngày rằm tháng Chạp để hoa được nở đúng vào ngày đầu năm mới.
Hoa mai ở Augsburg gợi nhớ cây mai ngày Tết của cha tôi
Ngày 3-10-1990, nước Đức thống nhất. Tôi đã chọn ở lại Augsburg thuộc bang Bayern ở miền Nam nước Đức cho đến bây giờ.
Gần 34 năm sống tha hương nơi xứ người, tôi luôn nhớ về quê hương, gia đình và những ngày Tết truyền thống. Mỗi năm vào dịp Tết, tôi cũng gói bánh tét, nấu những món ăn ngày Tết như thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt, thịt ngâm nước mắm… Tôi cũng làm dưa giá, dưa kiệu, củ cải ngâm nước mắm.
Tết trời Âu vẫn ấm lòng hương vị quê nhà
Con trai tôi dù sinh ra và lớn lên ở Đức nhưng rất thích đi dự những lễ hội do cộng đồng người Việt tổ chức, đi chùa vào mùng 1 Tết, thích xem múa lân mừng Xuân, mê món bánh tét, thịt kho trứng ăn với dưa giá.
Mâm cơm ngày Tết của gia đình tôi lúc nào cũng đầy đủ hương vị quê hương. Tôi hy vọng đại dịch mau kết thúc để mẹ con tôi cũng như nhiều người được về Việt Nam sum họp với gia đình và người thân cùng đón một cái Tết đoàn viên đúng nghĩa.
Lễ hội Việt Nam ở Augsburg