Nhiều tháng không có giao dịch, môi giới bất động sản ngán ngẩm bỏ nghề
Với môi giới mới vào nghề hoặc hoạt động trong thời gian ngắn từ 1-2 năm thì hầu hết là rời bỏ thị trường, đổi nghề vì không thể kiên trì khi thị trường bất động sản trầm lắng với rất ít giao dịch, môi giới nhiều tháng không có thu nhập.
Đầu năm 2022, thị trường bất động sản “quay xe” hạ nhiệt sau những tháng liên tục “sốt” đất. Tiếp đó là các vướng mắc về pháp lý của các dự án bất động sản khiến nguồn cung khan hiếm, những vụ vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp bất động sản lớn bị xử lý khiến niềm tin vào thị trường trái phiếu khiến doanh nghiệp của nhà đầu tư giảm sút. Tín dụng được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản trong năm 2022 trở nên trầm lắng.
Từ thời điểm tháng 3/2022 tới nay, nhiều môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh không có giao dịch và một số sàn giao dịch chịu cảnh thua lỗ khi chi phí quảng cáo vẫn đổ ra nhưng không bán được hàng hoặc lượng hàng chốt được không đáng kể.
Chủ một sự án bất động sản có tiếng ở thành phố Thái Nguyên than thở: “Những tháng dịch giao dịch còn sôi động hơn thời điểm bây giờ, lượng hàng bán ra còn tốt dù việc đi lại có những hạn chế nhất định. Từ đầu năm 2022, thị trường chững lại một cách bất thường”.
Anh N.N.T, một môi giới hơn 5 năm trong nghề và đi làm đủ loại dự án khác nhau cho biết, chưa bao giờ thị trường lại trầm lắng đến thế, dù thị trường khan hiếm nguồn hàng nhưng các phân khúc tính thanh khoản đều thấp.
“Chung cư nội đô Hà Nội vốn khan hiếm trong thời gian qua, những dự án ra hàng thường hết ngay và giá ngày một tăng, thế nhưng thời điểm vừa qua, một dự án chung cư khu vực phía Nam Hà Nội phải chiết khấu giảm đến trên 30% để bán hàng. Biệt thự ven biển vốn là dòng sản phẩm hút khách, có chủ đầu tư giảm đến 40% để bán hàng nhưng tình hình vẫn không khả quan” - môi giới N.N.T nói.
Với những người bám trụ với thị trường thời điểm này hầu hết là môi giới lâu năm, có sự tích lũy cả kinh nghiệm lần tài chính, chờ đợi sự khôi phục của thị trường bất động sản. Với môi giới mới vào nghề hoặc hoạt động trong thời gian ngắn từ 1-2 năm thì hầu hết là rời bỏ thị trường, đổi nghề vì không thể kiên trì cũng như nhiều tháng không có thu nhập, N.N.T chia sẻ.
Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 300.000 môi giới bất động sản đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề rất khiêm tốn, đạt khoảng 35.000 người. Đại bộ phận các nhà môi giới hiện chỉ được đào tạo ngắn hạn về chính sách bán hàng của dự án bất động sản, thiếu chuyên nghiệp và chưa mang tính dài lâu.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thời kỳ thị trường bất động sản sôi động, đặc biệt giai đoạn “sốt” đất đã chứng kiến sự bùng nổ nhân sự của nghề này. Mức hoa hồng khủng của mỗi giao dịch thành công khiến nghề môi giới bất động sản có sức hút riêng. Việc kiếm tiền có phần dễ dàng nên nhân sự của rất nhiều ngành nghề khác cũng tham gia làm môi giới bất động sản. Nhân sự ngành môi giới tăng nhanh và nhiều cũng không hẳn là tốt, thiếu đi tính chuyên nghiệp và không qua những khóa đào tạo bài bản.
“Khi thị trường trầm lắng, khó khăn, ngành bất động sản có biến động lớn thì một bộ phận môi giới không trụ được nghỉ việc, bỏ nghề. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để ngành môi giới bất động sản thanh lọc nhân sự, các đơn vị tuyển dụng có những kế hoạch dài hơi, bài bản hơn.
Trên thực tế, sự bùng nổ nhân sự - môi giới bất động sản đi cùng với quy trình tuyển dụng dễ dãi ở một số đơn vị thời gian qua. Điều này khiến ngành môi giới bất động sản thiếu đi tính chuyên nghiệp, các môi giới thiếu kiến thức và thiếu kỹ năng. Đợt thanh lọc này sẽ giữ được bộ phận chuyên nghiệp, cũng là bộ phận giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững”, ông Nguyễn Văn Đính nói.
Thị trường bất động sản đang trong gian đoạn trầm lắng, lực lượng môi giới còn có cuộc chuyển dịch, đào thải mạnh trong thời gian tới.