A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều địa phương than khó xác định giá đất theo thị trường

Theo lãnh đạo các địa phương, việc điều tra, khảo sát giá đất phổ biến còn gặp khó khăn do không có cơ sở xác nhận tính trung thực của người cung cấp thông tin về giá đất.

Tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa tổ chức tại Bắc Ninh, nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng cần hướng dẫn rất cụ thể về xác định giá đất.

Dẫn thực trạng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho rằng việc xác định giá đất phổ biến hiện nay rất khó khăn, phức tạp do giá đất phụ thuộc vào từng thời điểm và số lượng giao dịch, chuyển nhượng trên thị trường (một số khu vực không phát sinh giao dịch, chuyển nhượng).

Lãnh đạo tỉnh này cho rằng cần quy định cách xác định giá đất phổ biến trên thị trường tại nghị định, thông tư kèm theo hướng dẫn cụ thể, chi tiết thay vì quy định tại Luật Đất đai (sửa đổi).

Tương tự, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng cho rằng mặc dù dự thảo Luật đã giải thích về nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường nhưng thực tế còn gặp nhiều vướng mắc.

"Cụ thể, việc điều tra, khảo sát giá đất phổ biến trên thị trường để phục vụ công tác xác định giá đất cụ thể còn gặp khó khăn do không có cơ sở xác nhận tính trung thực của người cung cấp thông tin về giá đất", bà nói.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn phức tạp, chưa phù hợp với thực tiễn tại nhiều địa phương.

"Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể và có định lượng về các nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để có thể lượng hóa như thế nào là giá đất xuất hiện với tần suất nhiều nhất, xuất hiện trong khoảng thời gian nhất định là trong bao lâu...", lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đề xuất.

xác định giá đất ảnh 1

Khó xác định giá đất theo thị trường là băn khoăn lớn nhất của nhiều địa phương. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nêu thực tế khó khăn trong định giá đất theo sát giá thị trường, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thiết kế theo hướng thu thập, cập nhật dữ liệu giao dịch đất đai thường xuyên, trong điều kiện ổn định bình thường.

Từ đó thiết lập xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, đa mục tiêu, lập 'bản đồ' giá đất trên cả nước. Đây là cơ sở để thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai, đền bù, bồi thường, tái định cư...

"Trong khi chưa có đầy đủ dữ liệu đất đai, cần tiếp tục áp dụng các phương pháp xác định giá đất trong trường hợp đền bù hoặc có các hoạt động thương mại, chuyển mục đích sử dụng đất", Phó thủ tướng nêu quan điểm.

Theo ông, Nhà nước là đại diện sở hữu đất đai toàn dân, nên cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả, thống nhất về giá đất, làm cơ sở đền bù, tái định cư, bảo đảm công bằng, điều chỉnh hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan, giữa các vùng miền, khu vực khác nhau.

Khoản 2 Điều 153 Dự thảo Luật đất đai: Giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường được xác định bằng bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường xuất hiện với tần suất nhiều nhất thông qua thống kê tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định, không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...