Giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu cá nằm bờ: Sớm hỗ trợ để ngư dân bám biển
Tại nhiều tỉnh ven biển, số tàu cá không thể vươn khơi do giá xăng dầu tăng cao phải nằm bờ ngày càng tăng. Kéo theo đó là nhiều ngư dân cũng phải gác lưới hoặc tính chuyển nghề. Từ khi nghe tin các cơ quan chức năng được chỉ đạo nghiên cứu chính sách hỗ trợ, ngư dân rất mừng và ngóng chờ sớm được nhận sự tiếp sức.
“Nếu không được hỗ trợ, chỉ có nước nằm bờ”
Dù đang vào cao điểm mùa đánh bắt, song hàng loạt tàu cá của tỉnh Quảng Nam đang xếp hàng nằm bờ. Nhiều ngư dân cho biết, dù rất sốt ruột nhưng vì không thể bù lỗ nữa nên họ đành “bó gối”, để tàu nằm bờ.
Ngư dân Ngô Ry (trú xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam) chủ tàu cá QNa 91559 TS công suất 822 CV. Ông Ry cho hay, dù đang mùa cao điểm đánh bắt nhưng do chi phí bị “đội” lên quá cao, hoạt động đánh bắt của các tàu liên tục lỗ nên đành ở nhà. “Giá xăng dầu tăng chóng mặt hết đợt này đến đợt khác, chi phí khác cũng kéo nhau tăng theo, trong khi ngư trường cũng dần cạn, sản lượng đánh bắt không cao; sản phẩm còn bị ép giá, khiến ngư dân chúng tôi không thể tiếp tục, đành cho tàu nằm bờ”, ông Ry xót xa.
Con tàu công suất lớn, mỗi chuyến đi biển khoảng gần 1 tháng, trước kia phí tổn cho mỗi chuyến đi khoảng 120-130 triệu đồng thì nay tăng lên 180 triệu đồng. Cả năm nay tàu QNa 91559 TS của ông mới 3 lần ra khơi thì 2 lần lỗ vốn. Chuyến vươn khơi hồi đầu năm sau khi trừ chi phí mỗi người được vài triệu đồng. Ông Ry tiếp tục động viên bạn tàu “bày keo khác” nhưng hai chuyến tiếp theo thì lỗ nặng.
“Càng lỗ, khó cho ngư dân quá. Đang mùa đánh bắt mà ngồi ở nhà thì sốt ruột mà ra khơi thì lỗ. Bạn tàu thấy thua lỗ quá cũng bỏ đi kiếm cách khác mưu sinh”, ông Ry nói.
Ngư dân Trần Phi (ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) chủ tàu cá QNa 91297 TS gặp chúng tôi cứ lắc đầu tỏ ra buồn bã khi được hỏi chuyện vươn khơi đánh bắt. Con tàu 620 CV của anh nhiều tháng nay phải nằm bờ do không chịu nổi chi phí tăng cao.
Theo anh Phi, Nhà nước cần có cách gì hỗ trợ sớm, bởi giá xăng dầu rồi chi phí liên tục tăng như vậy, ngư dân không có cách nào vươn khơi bám biển. Càng đi càng lỗ, ngư trường cạn kiệt đánh bắt khó khăn, bên cạnh đó giá hải sản rơi rớt, khổ đủ đường.
Ngư dân Huỳnh Ngọc Anh, chủ tàu QN91617TS phải cho tàu nằm bờ 3 tháng nay. Ảnh:Hoài Văn |
Ông Nguyễn Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, trên địa bàn có hơn 670 tàu cá dài từ 15 mét trở lên, tập trung nhiều ở Thăng Bình, Duy Xuyên, Hội An… Những con tàu góp phần khẳng định chủ quyền biển này có mặt khắp ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn là hiện nay, một số lượng lớn tàu thuyền phải nằm bờ, ngư dân đang gặp nhiều khó khăn trong việc vươn khơi bám biển.
Theo ông Toàn, nhiều lý do dẫn đến tàu cá nằm bờ, trong đó chủ yếu là do chi phí tàu ra khơi tăng đột biến. Không chỉ giá xăng dầu, nhiều khoản chi cũng đội lên, trong khi đó nguồn lợi hải sản cũng cạn kiệt khiến ngư dân vươn khơi vô cùng khó khăn.
Rao bán tàu
ở Nghệ An, Hà Tĩnh, nhiều ngư dân vẫn phải ra khơi đánh cá tìm vận may vì sợ để không tàu sẽ hư hỏng. Cực chẳng đã, họ đang mong chờ quyết sách hỗ trợ từ Nhà nước. Biển xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), không còn khung cảnh nhộn nhịp vốn có, nay chỉ lác đác ít thuyền ra đánh bắt hải sản, còn lại những tàu thuyền có công suất lớn nằm bờ. Trở về sau 1 đêm kéo lưới ở biển, thuyền anh Lê Khang Nhật (42 tuổi, xã Thạch Văn) chỉ được 5kg cá bạc má và ít tôm. Nhẩm tính với chuyến biển này, anh Nhật lỗ trên 500 ngàn đồng, chưa kể tiền công.
Vốn là ngư dân thường xuyên đi biển đánh bắt xa bờ, nhưng ông Nguyễn Tiến Hùng (trú xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) mất việc cả tháng nay vì các chủ thuyền lớn không ra khơi, vì cứ ra khơi là lỗ. Gần 40 năm bám biển mưu sinh, giờ muốn kiếm công việc khác với ông Hùng cũng khó, vì chỉ quen với biển, sống với biển. “Chỉ mong có chính sách hỗ trợ, nếu không ra khơi được thì hỗ trợ giải quyết việc làm, tìm hướng cho dân chứ cuộc sống người làm nghề biển vốn dĩ đã khốn khó, nay khó khăn thêm bội phần”, ông Hùng chia sẻ.
Tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) có hơn 100 tàu thuyền hoạt động đánh bắt khai thác hải sản, nhưng khoảng 1 tháng nay, có đến 80% tàu cá phải ngừng hoạt động, vì chi phí làm chẳng để bù lỗ. Ông Lê Tiến Hải - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Thạch Kim cho biết: “Ra biển không có lãi mà chỉ lỗ nên rất nhiều ngư dân ở nhà. Chúng tôi cũng đã đề xuất có phương án hỗ trợ ngư dân bám biển, nhưng nay ngư dân vẫn còn chờ đợi một chính sách để họ an tâm quay lại nghề”.
Chỉ tay về phía hàng trăm tàu đánh cá đang neo đậu chật kín trong lạch, chị Hồ Thị Tình (trú xã Tiến Thuỷ, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, chưa khi nào ngư dân rơi vào khó khăn như thế này. Nhiều ngư dân chấp nhận lên bờ, bán rẻ tàu cá để đi làm thuê. Tuy nhiên, việc bán tàu cá chẳng dễ dàng bởi đánh bắt cá thua lỗ, gần như chẳng còn ai mua sắm tàu cá nữa. “Lâu nay đánh bắt toàn thua lỗ nên chúng tôi phải bán tàu thuyền. Bán mãi không ai mua đành hóa giá bán sắt vụn, hai con tàu lúc đóng mới trị giá 14 tỷ đồng nay bán sắt vụn chỉ được hơn 2,5 tỷ đồng”, chị Tình nói.
Anh Nguyễn Văn Ngọc (trú xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu) cho hay, dù ra khơi liên tiếp thua lỗ nhưng anh vẫn gắng vay mượn để ra khơi tìm vận may, tránh để tàu nằm bờ lâu ngày sẽ hư hỏng. Anh Ngọc cùng một số người khác chung tiền đóng con tàu trị giá 7,5 tỷ đồng. Thua lỗ nhiều, các thuyền viên lần lượt rời quê đi làm thuê, chỉ còn mỗi anh Ngọc gắng bám trụ lại. “Giờ chúng tôi chỉ mong Nhà nước làm sao giảm giá xăng dầu, hoặc có biện pháp hỗ trợ để chúng tôi có thể tiếp tục ra khơi bám biển”, anh Ngọc nói.
Khu neo đậu tàu cá Lạch Vạn (huyện Diễn Châu, Nghệ An) những ngày biển lặng cũng vẫn im ắng, không còn cảnh tàu ra vào tấp nập như trước. Ông Nguyễn Viết Mãn - Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho biết: “Người dân ở xã này sống bằng nghề bám biển từ nhiều đời nay. Ruộng vườn không có, nên chồng con đi biển đánh cá, vợ ở nhà buôn cá cứ thế bám víu vào nhau sống. Những năm gần đây, nghề đánh bắt liên tục thua lỗ đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn đốn. Đợt này xăng dầu tăng cao càng khiến nhiều chủ tàu gặp khó khăn hơn, gần 40% chủ tàu đã bỏ nghề đi làm việc khác. Chủ tàu không dám ra khơi, những lao động làm thuê cũng mất việc. Chưa nói đến tiền trả lãi ngân hàng, để lo cái ăn trước mắt, họ phải đi tìm việc mới như phụ hồ, thợ xây… nhiều người khác bỏ thuyền ở quê đi ra các tỉnh phía Bắc làm thuê cho một số chủ tàu cá lớn”.
Tại Thanh Hoá, nhiều tàu cá cũng phải nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao, ngư dân “tiến thoái lưỡng nan”, trông chờ vào giải pháp hỗ trợ từ các cấp, ngành để tiếp tục vươn khơi, bám biển.
Không thể mãi nằm bờ để chờ giá xăng dầu “hạ nhiệt”, một số chủ tàu đã ở Hậu Lộc chọn phương cắt giảm các chi phí, thời gian đánh bắt và lựa trọn ngư trường phù hợp... “đánh liều” vươn khơi. Thế nhưng, các chủ tàu rơi vào cảnh càng cựa mình càng “trầy da tróc vẩy”. Ông Nguyễn Văn Toan (thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) cho biết, trước đây, một chuyến ra khơi kéo dài 7-10 ngày, hết khoảng 70 triệu đồng. Hiện tại, mỗi chuyến đi biển phải tiêu tốn hết 120 triệu đồng. Mỗi tháng chủ tàu phải trả lương cho 4 bạn thuyền, mỗi lao động 10 triệu đồng. Không ra khơi, không có thu nhập, việc trả lương cho bạn thuyền cũng vô cùng khó khăn. Trong khi đó, tàu càng chạy càng lỗ, ngư dân rất cần sớm có những chính sách hỗ trợ để có thể vươn khơi, bám biển, ổn định đời sống.
Chủ tàu Đồng Văn Oanh (thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) có tàu đang neo đậu tại cảng Hòa Lộc từ gần nửa tháng nay chưa dám vươn khơi, cho biết: Hơn 20 năm trong nghề đi biển, chưa bao giờ tôi phải tính đến việc phải bán tàu, chuyển nghề như lúc này.
Trước kia, mỗi chuyến ra khơi của tàu gia đình ông Oanh kéo dài 10 ngày, chi phí khoảng
60-70 triệu đồng. Nay không chỉ giá xăng dầu tăng cao mà nguyên vật liệu khác phục vụ đánh bắt như lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ... cũng tăng, mỗi chuyến chi phí lên tới cả trăm triệu đồng. Bình thường, tàu có công suất 300 CV của gia đình ông Oanh phải đổ hết 3.000 lít dầu để vươn khơi khoảng 1 tuần. Giá dầu hiện tại gần 30.000 đồng/lít cộng với chi phí sinh hoạt trên tàu, mỗi chuyến ra khơi chủ tàu cần chi tăng thêm 30-40 triệu đồng so với trước khi giá xăng dầu thế giới chưa tăng. Vậy nên, việc nhổ neo thời điểm này gần như không thể.
Ông Oanh kể: Vừa qua, nhiều chủ tàu “liều mình” nạp dầu giá cao, vươn khơi gặp lúc biển động, ảnh hưởng bão số 1, đã trở về tay trắng, thua lỗ hàng chục triệu đồng.
Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc) chia sẻ: Việc các tàu thuyền không vươn khơi khiến sản lượng đánh bắt thủy hải sản giảm. Ngư dân không có thu nhập đã đành, việc duy trì bảo dưỡng tàu thuyền cũng đang đẩy ngư dân vào thế khó hơn. Các chủ tàu cá, ngư dân lúc này đang rất cần Nhà nước có giải pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể và sớm hơn.
Ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nghệ An cho biết, vừa qua, cơ quan chuyên môn cũng đã có đề xuất chính sách hỗ trợ ngư dân tiền dầu để vươn khơi bám biển trong hoàn cảnh giá dầu tăng quá cao. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Nghệ An là ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, chính sách đang trong quá trình tham mưu xây dựng, còn phải thông qua HĐND tỉnh, được HĐND tỉnh chấp thuận rồi UBND tỉnh mới ra quyết định.