Giá vàng ngày 6.2.2023: Giao dịch ảm đạm nhưng vàng SJC vẫn đắt hơn thế giới 14 triệu đồng/lượng
Tốc độ giảm giá vàng trong nước chậm hơn nhiều so với quốc tế đã khiến vàng SJC đắt hơn tăng lên trên 14 triệu đồng/lượng. Lực mua vàng sụt giảm sau ngày vía Thần tài nên chênh lệch giá mua bán vàng kéo ngắn lại.
Giá vàng miếng SJC sáng 6.2 tăng 100.000 đồng/lượng, Eximbank mua vào với giá 66,4 triệu đồng/lượng, bán ra 67 triệu đồng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào 66,5 triệu đồng/lượng, bán ra 67,3 triệu đồng… Giá vàng nhẫn 4 số 9 mua vào còn 53,55 triệu đồng/lượng, bán ra 54,6 triệu đồng/lượng. Khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và bán vàng rút ngắn còn 600.000 - 800.000 đồng/lượng. Thế nhưng, vàng miếng SJC tăng mức đắt đỏ, cao hơn thế giới lên 14,2 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn sao hơn 1,5 triệu đồng/lượng. Tốc độ giảm giá của vàng trong nước không theo kịp kim loại quý trên thị trường quốc tế là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Giá vàng giảm sau ngày vía Thần tài. T.Xuân |
Giá vàng thế giới sáng 6.2 tăng nhẹ 3 USD/ounce, lên 1.867 USD/ounce. Kim loại quý đã chứng kiến một phiên sụt giảm mạnh vào cuối tuần qua sau khi báo cáo việc làm của Mỹ khá khả quan. Nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 517.000 việc làm trong tháng 1, kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất 3,4% kể từ năm 1969 đến nay. Trước những dữ liệu kinh tế khá tốt, thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ dừng việc tăng lãi suất vào tháng 3 sau khi mới đây đẩy lãi suất USD lên thêm 0,25%. Thêm vào đó đợt bán chốt lãi của nhà đầu tư sau khi vàng đạt mức tốt nhất có thể sẽ chưa dừng lại trong tuần này
Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), động lực cần chú ý trong quý đầu tiên là hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương sau khi thực hiện mua 1.136 tấn trong năm qua - mức cao nhất kể từ năm 1967.
Trong tuần này, thị trường theo dõi những tin tức quan trọng như sự xuất hiện của Chủ tịch Fed Powell tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington, chỉ số thất nghiệp của Mỹ và tâm lý người tiêu dùng Michigan