A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá phòng trọ rục rịch tăng trước thềm năm học mới

Dù còn hơn một tháng nữa mới đến cao điểm tuyển sinh, giá thuê phòng trọ quanh các trường đại học tại Hà Nội đã bắt đầu tăng nhẹ, báo hiệu một mùa “săn trọ” đầy áp lực với sinh viên, nhất là tân sinh viên từ tỉnh xa.

Khảo sát tại các khu vực Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai – nơi tập trung đông sinh viên cho thấy giá thuê phòng trọ đang điều chỉnh tăng từ 300.000 đến 500.000 đồng mỗi phòng, tùy vị trí và tiện nghi.

Tại Cầu Giấy, một phòng trọ khép kín rộng 20 m² hiện có đang chào giá ở mức từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Thậm chí có những phòng tương tự đang được rao 4,5 triệu đồng, kèm các điều kiện như “không nuôi thú cưng, không ở quá 2 người”.

“Chưa vào mùa nhưng giá đã tăng. Đến tháng 8, khi sinh viên lên nhập học giá còn có thể còn lên nữa”, Nguyễn Phương Anh, sinh viên Trường Công nghệ - Giao thông vận tải cho hay.

Đầy rẫy nhưng biên cho thuê trọ tại các con ngõ ở Hà Nội (Ảnh minh họa).

Lý giải về việc tăng giá, nhiều chủ trọ cho rằng chi phí sửa chữa, bảo trì điện nước và đầu tư hạ tầng tăng mạnh trong năm nay. Đặc biệt, quy định mới về phòng cháy chữa cháy buộc các khu trọ phải lắp thêm bình chữa cháy, đầu báo cháy, thay dây điện cũ và gắn camera an ninh.

“Tính ra mỗi phòng phải đầu tư thêm từ vài trăm đến cả triệu đồng. Không tăng giá thì không đủ bù chi phí” - chị Trịnh Hồng Hải – một người kinh doanh phòng trọ chia sẻ.

Ngoài yếu tố chi phí, nhiều chủ trọ cho biết họ chủ động điều chỉnh giá sớm để đón đầu làn sóng tân sinh viên nhập học trong tháng 8–9.

“Giờ tăng nhẹ còn dễ thỏa thuận. Chứ sát tháng 9, phòng trống hiếm, sinh viên thường chấp nhận giá thuê cao” - chị Trịnh Hồng Hải nói thêm.

Dù giá tăng, nhiều phòng trọ vẫn trong tình trạng cơ sở vật chất cơ bản, thậm chí xuống cấp. Tường ẩm mốc, thiếu ánh sáng, khu vệ sinh dùng chung hoặc không có máy giặt… vẫn phổ biến ở các dãy trọ có giá thuê từ 3 đến 4 triệu đồng.

Để giảm chi phí, nhiều sinh viên lựa chọn ở ghép. Tuy nhiên, không ít chủ trọ giới hạn số người, thậm chí tính thêm phụ phí nếu ở từ hai người trở lên. Điều này khiến việc tìm phòng phù hợp càng thêm khó khăn.

Một phòng trọ được rao trên mạng xã hội.

Không ít sinh viên năm nhất đến khi nhập học mới bắt đầu tìm nhà trọ. Do vào sau, họ thường rơi vào thế bị động, phải thuê phòng xa hơn hoặc chấp nhận giá cao hơn. Các phòng có vị trí thuận tiện, giá hợp lý thường đã kín chỗ từ sớm.

Hiện nay, trên các nhóm mạng xã hội dành cho sinh viên tìm phòng trọ, nhiều bạn năm hai, năm ba đang chủ động chia sẻ kinh nghiệm thuê trọ, giới thiệu địa chỉ uy tín và cảnh báo những chiêu trò thường gặp.

Một số cảnh báo phổ biến là tình trạng chủ nhà găm phòng – tức là cố tình không cho thuê ngay để chờ đến sát năm học mới mới tăng giá. Ngoài ra còn có hiện tượng thổi giá, đăng phòng giá rẻ để thu hút nhưng khi liên hệ thì báo giá cao hơn thực tế hoặc ép đặt cọc trước khi xem phòng.

Mỗi mùa tuyển sinh, giá trọ lại tăng, nhưng các biện pháp hỗ trợ sinh viên gần như chưa được triển khai rõ ràng. Hiện vẫn thiếu các quy định khung về mức giá trần, thiếu chính sách khuyến khích phát triển nhà trọ giá rẻ, an toàn, phù hợp với sinh viên.

Kết quả là sinh viên tiếp tục trở thành nhóm yếu thế trong một thị trường trọ tự phát, thiếu minh bạch và khó kiểm soát.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...