Đua nhau xuống giống theo giá cà phê tăng vọt
Giá cà phê tăng cao thời gian qua khiến nhiều nông dân ở Tây Nguyên đưa nhau xuống giống, nhiều vườn chanh dây cũng bị phá bỏ để trồng cà phê
Phá bỏ chanh dây, trồng cà phê
Quanh những triền đồi là hình ảnh nông dân đang dọn mặt bằng, thuê máy đào hố để chuẩn bị trồng cà phê. Bên cạnh những diện tích cà phê tái canh, không ít diện tích trước đây trồng chanh dây, khoai lang nay được chuyển qua trồng mới cà phê.
Gia đình ông Vũ Văn Am (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) có 4 ha đất. Diện tích này được ông chia nhỏ để vừa trồng cao su vừa trồng chanh dây. Tuy nhiên, cây chanh dây tốn nhiều công, vật tư, rớt giá thê thảm nên ông đã quyết định phá bỏ toàn bộ diện tích này để chuyển sang trồng cà phê. "Kể cả thời gian tới giá cà phê có đi xuống, không được cao như bây giờ thì trồng cà phê vẫn tốt hơn các loại cây khác vì đầu ra ổn định" - ông Am nói.
Tương tự, ông Trần Văn Linh (xã Ia Bă, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cũng vừa phá bỏ 1 ha đất trồng chanh dây để đào hố, bỏ phân, chỉ chờ mưa xuống là trồng cà phê. Theo ông Linh, trước đây chanh dây giá cao, thời gian trồng, thu hoạch ngắn nên ông cũng như nhiều gia đình khác tại đây đã đầu tư trồng chanh dây. Tuy nhiên thời gian qua, giá chanh dây hạ thấp, thu không đủ bù lỗ nên đã phá bỏ để trồng cà phê. "Lần này tôi trồng 1.000 cây cà phê. Hy vọng đến khi thu hoạch thì giá cà phê vẫn cao như bây giờ để người trồng cà phê hưởng lợi" - ông Linh nói.
Ông A Hần - một người nhận đào hố cà phê thuê - cho biết những năm trước, thời gian này chỉ một vài vườn thuê đào hố trồng cà phê. Không có người thuê, ông phải tìm đến các công trường xây dựng kiếm việc. Nhưng năm nay người thuê đào hố trồng cà phê rất đông, công việc nhiều, không có thời gian nghỉ ngơi.
Dù so với lúc đỉnh điểm, giá cà phê nhân đã giảm nhưng vẫn đang ở mức cao, gấp 2-3 lần những năm trước, hiện là 100.000 đồng/kg. Nhiều nông dân tin tưởng giá cà phê sẽ còn giữ ở mức cao trong nhiều năm tới.
Chỉ khuyến khích tái canh, phát triển bền vững
Trước việc người dân đổ xô xuống giống trồng cà phê, ngành chức năng các địa phương đã có những cảnh báo, đề nghị nông dân trồng cà phê phải có lộ trình, trồng ở những vùng phù hợp và không phá vỡ quy hoạch, tránh tình trạng cung vượt quá cầu khiến giá xuống thấp.
Ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, cho biết toàn huyện có trên 28.000 ha cà phê. Hiện nay, chính quyền địa phương chỉ khuyến khích người dân tái canh trên diện tích cà phê cằn cỗi, năng suất thấp chứ không khuyến khích trồng mới. Đặc biệt, hạn chế những diện tích trồng mới ở những nơi có nguy cơ thiếu nước tưới. Nông dân cần cẩn trọng trước khi đầu tư trồng cà phê, đồng thời áp dụng các biện pháp sản xuất bền vững và liên kết trong chuỗi giá trị để bảo đảm hiệu quả kinh tế lâu dài.
Ông Phan Đình Thắm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ia Grai, cho biết chính quyền địa phương cũng chỉ khuyến khích người dân tái canh cà phê để bảo đảm diện tích, đầu tư nâng cao chất lượng. Theo kế hoạch, mỗi năm huyện Ia Grai sẽ có khoảng 450 ha cà phê tái canh. Tuy nhiên, với giá cả cà phê tăng cao như hiện nay, diện tích tái canh dự kiến sẽ nhiều hơn so với kế hoạch.
"Người dân khi thực hiện tái canh hoặc trồng mới cà phê cần chủ động về nguồn nước tưới, tránh tình trạng bị khô hạn như hiện nay. Nếu vùng đất nào có nguy cơ thiếu nước tưới thì nên chuyển sang trồng cây khác" - ông Thắm nói.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, cho biết cà phê là cây trồng chủ lực mang lại giá trị xuất khẩu rất lớn cho tỉnh Gia Lai. Tỉnh Gia Lai có chủ trương tái canh để hướng đến phát triển ngành hàng cà phê bền vững.
Theo kế hoạch, hằng năm Gia Lai thực hiện tái canh cà phê từ 2.000 - 2.500 ha. Sở NN-PTNT đã đề nghị các địa phương tập trung tái canh và ghép cải tạo vườn cà phê, sử dụng các giống cà phê mới cho năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh và chịu hạn tốt đã được công nhận.
Giá giống cây cà phê tăng cao
Do nhu cầu trồng mới, tái canh cà phê thời gian qua lớn khiến giá giống cây cà phê tại các vườn ươm tăng cao. Nếu như 5 năm trước, giá giống cà phê chỉ khoảng 3.000-4.000 đồng/cây, năm 2023 khoảng 8.000 đồng/cây thì hiện nay giá cây giống cà phê tại các vườn ươm đã tăng lên 12.000 đồng/cây. Tuy vậy, nhiều vườn ươm đã "cháy hàng" hoặc được đặt mua hết. Trong đó, các giống cà phê được người dân lựa chọn để trồng mới, tái canh nhiều nhất là TRS1, TR4, TR9...