A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao New Delhi chưa giải quyết được ô nhiễm không khí?

Một thập kỷ trước, thủ đô của Ấn Độ và Trung Quốc đều có bầu không khí ô nhiễm nhất thế giới. Kể từ đó, một trong hai thành phố đã có cải thiện đáng kể.

Vì sao New Delhi chưa giải quyết được ô nhiễm không khí?

Mức độ ô nhiễm không khí ở New Delhi gần đây rất cao. Ảnh: AFP

Sau khi chính phủ Trung Quốc tuyên chiến chống ô nhiễm năm 2013, Bắc Kinh thúc đẩy nỗ lực nhiều năm trị giá 100 tỉ USD để làm sạch không khí. Giới chức siết chặt quy định với các nhà máy, buộc những phương tiện cũ ngừng hoạt động và chuyển từ than đá sang khí đốt. Dù còn nhiều việc phải làm nhưng Bắc Kinh hiện có hơn 100 ngày bầu trời quang đãng hơn mỗi năm so với khi chiến dịch bắt đầu. 

Nhưng ở New Delhi, không khí vẫn ô nhiễm. Ngày 30.12.2022, Ấn Độ đã đình chỉ hầu hết các hoạt động xây dựng và phá dỡ trong và xung quanh Delhi khi chất lượng không khí ở đây xấu đi và được dự báo tiếp tục xấu đi trong những ngày tiếp theo. Ủy ban Quản lý Chất lượng Không khí tại Vùng Thủ đô Quốc gia và các Khu vực lân cận cho biết, chỉ số chất lượng không khí của New Delhi là 399 vào 30.12.2022, ở mức "rất kém". Ở New Delhi, chỉ số lên tới 50 được coi là "tốt" và những ngày như vậy rất hiếm trong mùa đông. 

Ô nhiễm ở New Delhi không có nhiều cải thiện bởi hàng triệu phương tiện giao thông, việc đốt rơm rạ ở các trang trại xung quanh, việc sử dụng lửa để sưởi ấm và nấu ăn ở những ngôi nhà nông thôn. 

Lý giải cho sự khác biệt, New York Times chỉ ra, Ấn Độ chưa so được với Trung Quốc - đất nước có 4 thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng - nên không thể đầu tư nhiều vào làm sạch môi trường. GDP bình quân đầu người của là 2.300 USD/người vào năm 2021, trong khi của Trung Quốc là 12.500 USD/người.

Sương mù bao phủ các tòa nhà ở ngoại ô thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Sương mù bao phủ các tòa nhà ở ngoại ô thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Giới chức Ấn Độ cũng có ít động lực bởi làm sạch bầu trời nằm trong số các ưu tiên thấp của cử tri. Ngay cả khi ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn tới nhiều người chết ở Ấn Độ hơn bất kỳ yếu tố rủi ro nào khác, cử tri xếp chất lượng không khí là mối quan tâm cấp bách thứ 17 trong cuộc khảo sát trên toàn quốc trước cuộc bầu cử năm 2019, xếp sau việc làm, chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng. Chỉ có khoảng 12% số người được hỏi coi ô nhiễm không khí là ưu tiên hàng đầu.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, cư dân - đặc biệt là tầng lớp trung lưu đang phát triển - quan tâm tới vấn đề không khí. Báo động ngày càng tăng khi nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí góp phần dẫn tới hơn một triệu ca tử vong sớm trên khắp Trung Quốc mỗi năm.

Năm 2013, giới chức Trung Quốc công bố kế hoạch hành động về không khí quốc gia, bắt đầu công bố dữ liệu quan trọng về chất lượng không khí và công khai đưa ra những cảnh báo về vấn đề ô nhiễm. Trong kế hoạch này, Bắc Kinh được yêu cầu giảm 25% ô nhiễm.

Trung Quốc sau đó đã thực hiện một loạt các bước: Thắt chặt các tiêu chuẩn khí thải công nghiệp với một số nhà máy và loại bỏ hoặc nâng cấp dần các nhà máy lỗi thời khác; loại bỏ 20 triệu xe cũ; nâng cấp 200.000 nồi hơi công nghiệp; và chuyển từ than đá sang khí đốt để sản xuất điện cho 6 triệu hộ gia đình.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy những chính sách cứng rắn đã có tác dụng. Từ năm 2013 đến 2017, nồng độ PM 2.5 trong bầu không khí của Trung Quốc đã giảm khoảng 1/3.

Không khí ở Bắc Kinh vẫn chưa hoàn hảo, đặc biệt là vào mùa đông nhưng trong khi thành phố đã cải thiện về tổng thể, thì ở New Delhi, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí vẫn ở mức nguy hiểm gần như tương tự từ năm 2013 đến 2020, theo Viện Chính sách Năng lượng.

Trên thực tế, từ lâu Ấn Độ đã hiểu rõ căn nguyên của ô nhiễm không khí ở New Delhi. Sách trắng của chính phủ năm 1997 xác định khí thải xe cộ và khí thải công nghiệp là thủ phạm chính đồng thời đề xuất các giải pháp xử lý. Trong những năm 1990, thành phố siết chặt các tiêu chuẩn khí thải, di dời các ngành công nghiệp gây ô nhiễm cũng như yêu cầu hàng nghìn xe buýt, xe lam chuyển từ dùng nhiên liệu diesel sang khí thiên nhiên nén. 

Trong những năm gần đây, New Delhi đã đóng cửa hai nhà máy điện đốt than và yêu cầu các nhà máy dùng than chuyển sang sử dụng khí đốt, đồng thời có kế hoạch triển khai ít nhất 8.000 xe buýt điện vào năm 2025 - Jasmine Shah, Phó Chủ tịch cơ quan nghiên cứu chính phủ ở Delhi giúp tạo ra chính sách chống ô nhiễm không khí của thành phố, cho hay. 

Dù vậy, bởi nhiều yếu tố như đã đề cập, New Delhi vẫn tiếp tục vật lộn với chất lượng không khí kém. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết