Trung Quốc nới lỏng hạn chế, nhu cầu nhiên liệu tăng vọt
Nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới đang thúc đẩy trở lại nhu cầu nhiên liệu toàn cầu, sau khi nới lỏng đáng kể các hạn chế Covid-19 tại nước này.
Nhu cầu năng lượng tăng cao ở Trung Quốc sau khi nới lỏng hạn chế. Ảnh: Reuters. |
Theo đó, giao thông đường bộ và đường hàng không ở Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ sau gần ba năm theo đuổi chính sách Zero-Covid. Các thương nhân cũng đã tăng cường mua hàng với dự đoán nhu cầu xăng dầu sẽ tăng mạnh hơn.
Vào tuần trước, Trung Quốc đã dỡ bỏ nhiều hạn chế quan trọng, bao gồm loại bỏ việc xét nghiệm thường xuyên, nới lỏng các quy tắc kiểm dịch và loại bỏ theo dõi đối với khách du lịch.
Theo dữ liệu từ Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, những thay đổi này ngay lập tức đã kích hoạt vận tải đường bộ và đường hàng không tăng trưởng lần đầu tiên sau gần hai tháng. Số lượng xe tải hàng lưu thông trên đường cao tốc đã phục hồi vào tuần trước lên gần bằng mức cùng kỳ năm 2019.
Trên thực tế, thị trường năng lượng toàn cầu cũng đang theo dõi sát sao sự phục hồi của Trung Quốc.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley nhận định: "Với tốc độ mở cửa trở lại tại Trung Quốc, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu năng lượng tại nước này sẽ trở về mức bình thường vào cuối tháng 3/2023, nhanh hơn dự đoán trước đó là tháng 5-6".
Các nhà phân tích của Bank of America Global Research cũng cho biết họ kỳ vọng giá dầu Brent sẽ tăng từ 80 USD/thùng lên trên 90 USD/thùng, nhờ vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế "thành công".
Còn theo nhà cung cấp dữ liệu hàng không Variflight, lượng hành khách nội địa tại Trung Quốc hàng tuần đã tăng 68% lên 3,7 triệu lượt, mức tăng lớn nhất kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 2. Tuy nhiên, con số đó vẫn thấp hơn 37% so với một năm trước đó và thấp hơn 68% so với năm 2019.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã báo cáo hơn 7.000 trường hợp nhiễm Covid-19 vào ngày 11 và 12/12 vừa qua, nhưng số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn nhiều vì các xét nghiệm Covid-19 đã không còn bắt buộc.
Ngoài ra, chỉ số tắc nghẽn đường bộ của Bắc Kinh trong bảy ngày qua vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy người dân nước này vẫn chưa sẵn sàng di chuyển nhiều trở lại.