Trung Quốc có thể tung thêm gói kích thích hơn 1,400 tỷ USD
Theo nguồn tin độc quyền từ Reuters, Trung Quốc đang cân nhắc phát hành nợ bổ sung trị giá hơn 10,000 tỷ Nhân dân tệ (1,400 tỷ USD) trong những năm tới, với quy mô tương đương hơn 8% GDP quốc gia.
Điều đáng chú ý là quy mô của gói kích thích này có thể được điều chỉnh tăng thêm, phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Các nguồn tin cho biết Bắc Kinh đang đặc biệt quan tâm đến khả năng Donald Trump tái đắc cử, bởi điều này có thể dẫn đến những thách thức kinh tế lớn hơn cho Trung Quốc, đặc biệt là với cam kết áp thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc của ông Trump.
Trọng tâm của gói kích thích là khoản 6,000 tỷ Nhân dân tệ sẽ được phát hành trong 3 năm tới thông qua trái phiếu Chính phủ đặc biệt. Nguồn vốn này sẽ được ưu tiên sử dụng để giải quyết vấn đề nợ nần ngoài sổ sách của chính quyền địa phương - một trong những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay.
"Các ưu tiên chính sách hiện tại dường như tập trung trước tiên vào giải quyết nợ ẩn của chính quyền địa phương, tiếp theo là ổn định hệ thống tài chính, và sau đó là hỗ trợ nhu cầu trong nước", Tommy Xie, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Trung Quốc đại lục tại OCBC Bank, cho biết.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn có kế hoạch cho phép chính quyền địa phương huy động tới 4,000 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt trong 5 năm tới để mua đất và bất động sản. Đây là khoản bổ sung ngoài hạn mức phát hành thường niên vốn đã ở mức cao kỷ lục 3,900 tỷ Nhân dân tệ trong năm nay.
Động thái mới nhất nhằm tăng cường khả năng quản lý nguồn cung đất đai của chính quyền địa phương, đồng thời giảm bớt áp lực thanh khoản và nợ nần cho cả chính quyền địa phương và các nhà phát triển bất động sản, họ cho biết thêm. Trái phiếu mục đích đặc biệt là công cụ tài trợ nợ ngoài ngân sách được chính quyền địa phương Trung Quốc sử dụng, với nguồn thu thường được dành riêng cho các mục tiêu chính sách cụ thể, như chi tiêu cơ sở hạ tầng.
Gói kích thích này được thiết kế từ nhiều sáng kiến khác nhau. Ít nhất 1,000 tỷ Nhân dân tệ sẽ được dành cho các chương trình kích thích tiêu dùng như đổi mới hàng hóa. Một khoản tương tự có thể được huy động để bơm vốn vào các ngân hàng quốc doanh lớn thông qua trái phiếu kho bạc đặc biệt.
Tổng số tiền dự kiến, được huy động thông qua cả trái phiếu Chính phủ đặc biệt và trái phiếu chính quyền địa phương, tương đương hơn 8% GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản và nợ ngày càng tăng của chính quyền địa phương.
Reuters lần đầu tiên xác nhận rằng chính quyền Trung Quốc đang cân nhắc phê duyệt gói kích thích 10,000 tỷ Nhân dân tệ, một con số mà các nhà phân tích tài chính đã dự đoán trong những tuần gần đây.
Kế hoạch chi tiêu cho thấy Bắc Kinh đã chuyển sang trạng thái kích thích mạnh mẽ hơn để hỗ trợ nền kinh tế, dù vẫn chưa phải là quy mô khổng lồ như năm 2008.
Hồi cuối tháng 9, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã công bố các biện pháp hỗ trợ tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ đại dịch COVID-19. Vài tuần sau đó, Chính phủ tiếp tục báo hiệu thêm kích thích tài khóa mà không nêu chi tiết tài chính của gói này, khiến thị trường toàn cầu đồn đoán về quy mô chi tiêu mới.
Các nguồn tin thân cận lưu ý rằng kế hoạch vẫn chưa được hoàn thiện và có thể thay đổi. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc phê duyệt toàn bộ các khoản phát hành này thay vì theo từng giai đoạn, tổng quy mô kích thích có thể vượt 10,000 tỷ Nhân dân tệ, họ cho biết thêm. Điều này cũng thể hiện sự cấp bách của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
Cuối năm 2023, Trung Quốc đã phát hành 1,000 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu chính phủ để tăng cường cơ sở hạ tầng phòng chống lũ lụt và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5%.
Bắc Kinh khởi đầu năm nay với kế hoạch phát hành 1,000 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu Chính phủ đặc biệt, nhưng con số này được dự đoán sẽ tăng khi tăng trưởng đang chệch khỏi mục tiêu và các nhà kinh tế cho rằng sự suy giảm cơ cấu dài hạn có thể đang diễn ra.
Tuy nhiên, kế hoạch chi tiêu tài khóa vẫn chưa đạt được sức mạnh như năm 2008, khi gói kích thích tài khóa 4,000 tỷ nhân dân tệ của Bắc Kinh để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu chiếm 13% GDP thời điểm đó.
Khoản tiền bổ sung đã thúc đẩy cơn sốt thị trường bất động sản và dẫn đến cho vay không kiểm soát đối với các phương tiện tài chính chính quyền địa phương, được các đô thị sử dụng để vượt qua các hạn chế vay chính thức.
Các chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng về hiệu quả của gói kích thích mới. Louis Kumis, Chuyên gia Kinh tế trưởng châu Á tại S&P Global, cho rằng mặc dù quy mô kích thích đáng kể sẽ thúc đẩy niềm tin và hỗ trợ tăng trưởng, nhưng hỗ trợ cho tiêu dùng vẫn còn khiêm tốn. "Điều này có nghĩa là khó có thể thấy sự cải thiện đáng kể về triển vọng tăng trưởng kinh tế hoặc rủi ro giảm phát đã được xóa bỏ", ông nhận định.