Trận chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc thêm nóng
Trận chiến giành ưu thế công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tiếp tục leo thang theo sau những động thái mới của 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới này.
Trung Quốc hôm 20-10 cho biết sẽ yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với một số sản phẩm than chì để bảo vệ an ninh quốc gia. Theo Reuters, đây được xem là nỗ lực mới của Bắc Kinh nhằm kiểm soát nguồn cung khoáng sản quan trọng.
Trung Quốc hiện là nhà sản xuất và xuất khẩu than chì hàng đầu thế giới. Nước này còn tinh chế hơn 90% than chì trên thế giới thành vật liệu được sử dụng trong hầu hết cực dương của pin xe điện (EV). Ngoài ra, than chì còn thường được sử dụng trong ngành công nghiệp bán dẫn, hàng không vũ trụ, hóa chất và thép.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết quy định mới "có lợi cho việc bảo đảm an ninh và sự ổn định của chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp toàn cầu, đồng thời có lợi cho việc bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia tốt hơn".
Bộ này cũng nói thêm quy định mới "không nhắm mục tiêu vào quốc gia cụ thể nào". Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, trong danh sách các nước nhập khẩu than chì hàng đầu từ Trung Quốc có Mỹ.
Nhân viên một công ty hoạt động trong ngành công nghiệp than chì tại TP Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang - Trung Quốc Ảnh: Tân Hoa Xã
Trước đó vài ngày, Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt hạn chế bổ sung đối với những loại chất bán dẫn mà công ty Mỹ có thể bán cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, bước đi trên nhằm siết chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã được ban hành vào tháng 10-2022. Cụ thể, quy định mới yêu cầu giấy phép đối với việc xuất khẩu chip tiên tiến sang hơn 40 quốc gia có thể "chuyển công nghệ này cho Trung Quốc".
Bộ Thương mại Trung Quốc lập tức lên tiếng phản đối các biện pháp hạn chế mới nhất, đồng thời kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu càng sớm càng tốt. Tờ South China Morning Post hôm 22-10 dẫn lời một số chuyên gia nhận định động thái mới nhất cho thấy Washington đang tập trung vào khả năng sản xuất chip tiên tiến của Bắc Kinh.
Theo họ, việc hãng Huawei Technologies trình làng mẫu điện thoại hỗ trợ mạng 5G vào thời điểm bà Raimondo thăm Trung Quốc vào cuối tháng 8 đã giáng đòn mạnh vào các biện pháp hạn chế nói trên của Mỹ.