Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hành trình nhiều ẩn số
Đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tiếp tục thêm 5 năm nhiệm kỳ sau khi đánh bại đối thủ Kemal Kilicdaroglu trong vòng bỏ phiếu thứ hai (hôm 28-5) của cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Với việc ông Erdogan nhận được hơn 52% phiếu bầu, hãng tin AP bình luận đa số cử tri Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chọn nhân vật mà họ tin là "mạnh mẽ, đáng tin cậy" làm lãnh đạo.
Trong hai bài phát biểu - một tại quê nhà Istanbul và một ở thủ đô Ankara, ông Erdogan nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ xứng đáng với niềm tin của mọi người, như chúng tôi luôn làm vậy suốt 21 năm qua".
Hai vấn đề quan trọng nhất mà ông Erdogan phải đương đầu ngay lập tức là tình hình kinh tế đang khủng hoảng và nhiệm vụ tái thiết tại 11 tỉnh sau thảm họa động đất khiến 50.000 người thiệt mạng hồi đầu tháng 2 năm nay.
Về kinh tế, trong cuộc phỏng vấn hồi tuần trước với đài CNN, Tổng thống Erdogan cho hay một trong những ưu tiên chính của chính phủ ông là đối phó với lạm phát.
Tuy nhiên, theo kênh Sky News, giới phân tích cho rằng chính những chính sách kinh tế "không chính thống" của ông Erdogan góp phần đẩy lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ lên mức hơn 80% hiện nay, kéo theo giá cả leo thang nhưng tiền tệ lại mất giá. Ông Erdogan không tin rằng tăng lãi suất sẽ xoa dịu lạm phát.
Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử hôm 29-5 Ảnh: REUTERS
Năm nay 69 tuổi, ông Erdogan được bầu trực tiếp làm tổng thống lần đầu vào năm 2014. Ông đã biến chức tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từ chỗ mang tính lễ nghi thành vị trí quyền lực và trở thành tổng thống cầm quyền thực sự sau khi tái đắc cử vào năm 2018.
Theo AP, ông Erdogan chính là nhân tố đặt nền móng cho các cuộc đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nhưng càng về sau này, Ankara càng trở thành thành viên nhiều biến số của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cũng trong cuộc phỏng vấn trên với CNN, Tổng thống Erdogan ca ngợi mối quan hệ với Nga là "đặc biệt", đồng thời khẳng định tiếp tục ngăn cản Thụy Điển gia nhập NATO.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi đầu năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ không theo phương Tây trừng phạt Nga, tiếp tục mua năng lượng Nga với giá thấp nhưng lại cung cấp máy bay không người lái cho Ukraine. Nước này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga trong khi là thành viên có quân đội lớn thứ hai NATO.
Dù vậy, việc các nhà lãnh đạo khắp thế giới, bao gồm Nga, Mỹ, Qatar, Libya, Iran và cả Thụy Điển…, gửi lời chúc mừng ông Erdogan chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng của ông nói riêng và Thổ Nhĩ Kỳ nói chung.
Ankara đang làm trung gian giữa Nga - Ukraine và Liên Hiệp Quốc cho thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc trên biển Đen và xa hơn có thể tham gia các cuộc thương lượng nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.