Thế giới hướng về Libya
Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân sâu xa thúc đẩy cơn bão Daniel trút lượng mưa khổng lồ xuống TP Derna vốn đã xuống cấp
Theo hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đã lập tức gửi lực lượng tìm kiếm cứu nạn hùng hậu cùng nhiều hàng hóa tiếp tế đến Libya ngay sau thảm họa lũ lụt, các quan chức địa phương cho biết con số tử vong được cập nhật đến nay là ít nhất 6.000 người.
Hàng ngàn người khác vẫn mất tích sau những trận lũ thảm khốc do cơn bão Daniel gây ra ở miền Đông Libya. Trong khi đó, Thị trưởng TP Derna Abdulmenam al-Ghaithi nói với đài Al Arabiya rằng số người chết trong toàn thành phố có thể lên tới 18.000-20.000 người.
Các nỗ lực hỗ trợ về con người cũng như hàng tiếp tế đang đổ về Libya. Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc (LHQ) Martin Griffiths hôm 12-9 đã công bố khoản phân bổ ban đầu trị giá 10 triệu USD từ Quỹ Ứng phó khẩn cấp trung ương (CERF).
Một ngày sau, Chương trình Lương thực thế giới của LHQ (WFP) cho biết đã gửi chuyến hàng hỗ trợ lương thực đầu tiên tới Libya, bao gồm gạo, mì ống, đường, bột mì, cà chua, đậu trắng, dầu ăn…, góp phần giúp đỡ cho hơn 52.000 người đang bị ảnh hưởng.
Cùng ngày 13-9, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha công bố khoản đóng góp 1 triệu euro thông qua Liên đoàn Các hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) và Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo LHQ.
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Ai Cập tham gia cứu hộ tại TP Derna - Libya hôm 12-9.Ảnh: REUTERS
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ý Antonio Tajani thông tin một nhóm chuyên gia và 2 máy bay vận tải C-130 đã tới Libya để cung cấp máy bay trực thăng tìm kiếm cứu nạn, lều dã chiến, túi ngủ… và sẵn sàng gửi thêm viện trợ bổ sung nếu cần.
Song song đó, Liên minh châu Âu thông báo đã huy động được 500.000 euro cho Libya và sẵn sàng cung cấp thông qua các đối tác dưới hình thức vật tư y tế, nước và phương tiện vệ sinh. Riêng biệt, một số quốc gia EU khác bao gồm Đức, Romania và Phần Lan đề nghị hỗ trợ lều, giường dã chiến, máy phát điện, thực phẩm, lều bệnh viện…
Các nguồn viện trợ khác đến từ các quốc gia Tây Á - Bắc Phi như Ả Rập Saudi, Jordan, Algeria, Iraq, Tunisia, theo Arab News. Ai Cập tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng niệm nạn nhân ở Libya, đồng thời cung cấp các đội tìm kiếm, thiết bị cứu hộ và trại tạm trú cho cả Libya và Morocco - đất nước Bắc Phi khác đang gánh chịu thảm họa động đất.
Hai máy bay từ Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã cung cấp cho Libya 150 tấn lương thực, hàng cứu trợ và vật tư y tế; trong khi 40 tấn hàng khác đến từ Kuwait…
Ở một phương diện khác, biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân sâu xa thúc đẩy thảm họa thông qua cơn bão Daniel tàn khốc, gây lượng mưa khổng lồ trút xuống TP Derna vốn đã xuống cấp sau nhiều năm không được tu bổ, trong đó làm vỡ 2 con đập cũ kỹ.
Theo các chuyên gia phân tích trên AP, Daniel đã thu năng lượng lớn từ nước biển cực kỳ ấm; không khí ấm hơn chứa nhiều hơi nước hơn và gây mưa khủng khiếp hơn.
Theo ông Simon Mason, nhà khoa học chính của Viện Nghiên cứu quốc tế về khí hậu và xã hội thuộc Trường Khí hậu Columbia (Mỹ), các cơn bão vùng Địa Trung Hải vốn hình thành 1-2 lần mỗi năm (phổ biến từ giữa tháng 9 đến tháng 1 năm sau) nhưng thường không đủ mạnh để đạt cấp độ "bão" theo thang bão của Mỹ (tương ứng cấp 12 trở lên theo thang sức gió Beaufort).
Các hiện tượng như Daniel là bất thường và theo nhà khoa học khí quyển Kristen Corbosiero từ Trường ĐH Albany, có những yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu khiến các cơn bão bất thường như vậy có nguy cơ xảy ra nhiều hơn. Ngoài Libya, Daniel cũng gây mưa khốc liệt cho Hy Lạp, dẫn đến lũ lụt chết người, tàn phá nhiều khu dân cư và cơ sở hạ tầng.
4 quốc gia sát cánh cùng Morocco
Theo AP, cách tốt nhất để viện trợ cho Morocco - và cả Libya - là quyên góp cho các tổ chức đã và đang hoạt động thực địa ở những nơi đó.
Morocco hiện vẫn chỉ chấp nhận sự hỗ trợ từ 4 nước là Tây Ban Nha, Qatar, Anh và UAE. Trước đó, các quan chức Morocco bày tỏ lo ngại quá nhiều lực lượng nhưng thiếu phối hợp thì sẽ phản tác dụng, trong bối cảnh vùng thảm họa chủ yếu là vùng núi High Atlas hẻo lánh, địa hình hiểm trở với đường sá đã bị hư hại trong động đất.
Hiện số người tử nạn trong thảm họa được cập nhật ở mức 2.900 người. Nhiều ngôi làng ở Morocco vẫn chưa được khôi phục điện lẫn mạng lưới điện thoại. LHQ ước tính hơn 300.000 người bị ảnh hưởng, 1/3 trong đó là trẻ em.
Libya sợ số nạn nhân thiệt mạng do lũ lụt lên đến 20.000 người