Tham vọng năng lượng tái tạo của Indonesia
Indonesia ngày 21-11 công bố Kế hoạch chính sách và đầu tư toàn diện (CIPP) để huy động 20 tỉ USD từ các nhà cho vay toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình khử carbon trong ngành điện.
Theo Chương trình Quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) của Indonesia, quốc gia Đông Nam Á này đang tìm cách cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ hơn 350 triệu tấn hiện nay còn 250 triệu tấn trong lĩnh vực lưới điện vào năm 2030.
Ngoài ra, Indonesia dự định tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện lên 44% vào năm 2030, so với mức khoảng 12% của năm 2022. CIPP chỉ ra rằng cần khoản đầu tư 97,3 tỉ USD để đạt được các mục tiêu nói trên, trong đó có 66,9 tỉ USD cho 400 dự án cần phải bắt đầu muộn nhất là năm 2030.
Công nhân điện lực làm việc tại một địa phương ở Indonesia Ảnh: JAKARTA POST
Indonesia, thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), hiện là một trong những nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Trước đó một ngày, Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các nước G20 tăng cường cắt giảm khí thải khi công bố báo cáo mới về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Theo Reuters, báo cáo của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) nhận định những cam kết cắt giảm khí thải hiện nay của các nước sẽ vẫn khiến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm gần 3 độ C trong thế kỷ này.
Theo UNEP, đến năm 2023, lượng khí thải toàn cầu sẽ phải thấp hơn 28% so với mục tiêu của các chính sách hiện nay để nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C. Với mục tiêu tham vọng hơn là nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C, lượng khí thải phải thấp hơn 42%.
Bà Inger Andersen, Giám đốc UNEP, cho rằng các nước G20, hiện chiếm khoảng 80% lượng khí thải toàn cầu, cần đi đầu trong việc đẩy mạnh cắt giảm.