A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quan hệ Trung Quốc – Nga về năng lượng tăng cỡ nào?

Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 29-11 cho biết Trung Quốc sẵn sàng củng cố quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với Nga về các vấn đề năng lượng để đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu.

Theo đài CCTV, ông Tập gửi thông điệp trên đến diễn đàn năng lượng Trung Quốc-Nga lần thứ 4 và trong bối cảnh 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chuẩn bị áp đặt các biện pháp mới đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga vào ngày 5-12.

Ông Tập cho biết: "Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để thiết lập quan hệ đối tác năng lượng chặt chẽ hơn, thúc đẩy phát triển năng lượng xanh và sạch, đồng thời cùng nhau duy trì an ninh năng lượng quốc tế và sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp".

Quan hệ Trung Quốc – Nga thân cỡ nào? - Ảnh 1.

Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình trò chuyện trong cuộc gặp ở Uzbekistan hồi tháng 9. Ảnh: Reuters

Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, kim ngạch xuất khẩu năng lượng của Nga sang Trung Quốc đã tăng 64% về giá trị và 10% về khối lượng trong năm nay. Moscow đã trở thành trung tâm thương mại giao dịch bằng đồng nhân dân tệ lớn thứ 4 thế giới khi Điện Kremlin thúc đẩy nhiều hơn nữa quan hệ với châu Á trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt.

Ông Igor Sechin, giám đốc điều hành của nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu của Nga Rosneft, cho biết thương mại song phương Nga-Trung sẽ đạt 180 - 190 tỉ USD trong năm nay. Công ty của ông cung cấp khoảng 7% nhu cầu dầu của Trung Quốc.

Ông Sechin cho hay dự án Vostok Oil do Rosneft dẫn đầu, kết hợp các mỏ dầu đã sản xuất và những mỏ sẽ khai thác vào cuối thập kỷ này, sẽ đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng an toàn lâu dài cho các nền kinh tế châu Á đang phát triển tránh biến động giá mạnh.

Nga cũng muốn tăng cường cung cấp khí đốt cho Trung Quốc và đang thảo luận về khả năng thành lập một "liên minh khí đốt" với Kazakhstan và Uzbekistan để hỗ trợ vận chuyển giữa 3 nước và tới những khách hàng mua năng lượng khác.

Theo hãng tin Reuters, các quan chức Nga cho biết nước này cũng sẽ chào đón các đối tác Trung Quốc trong dự án năng lượng quy mô lớn Ust-Luga trên Biển Baltic và nhận thấy tiềm năng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng sang Trung Quốc từ cảng này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...