Phát hiện kim tự tháp châu Á 3.800 tuổi, hình dáng cực lạ
Theo một tuyên bố từ Đại học Quốc gia Á - Âu ở Kazakhstan, kim tự tháp này "không giống bất cứ thứ gì" từng được tìm thấy ở thảo nguyên Á - Âu.
Theo Live Science, các nhà khảo cổ đã mô tả cấu trúc vừa được tìm thấy ở miền Đông Kazakhstan là kim tự tháp dù nó rất lạ lùng so với các kim tự tháp Ai Cập. Tuy nhiên, đây cũng là nơi chôn cất của giới quý tộc giống như cách mà kim tự tháp Ai Cập được sử dụng.
Cấu trúc lục giác được cho là phần nền của một kim tự tháp cổ đại - Ảnh: ĐẠI HỌC QUỐC GIA Á - Âu
Khác biệt với các kim tự tháp của Bắc Phi hay kim tự tháp Maya ở châu Mỹ, kim tự tháp tọa lạc trên vùng đất Trung Á này lại có phần đáy hình lục giác đều thay vì hình vuông.
Theo TS Ulan Umitkaliyev, Trưởng khoa Khảo cổ và dân tộc học của Đại học Quốc gia Á - Âu, kim tự tháp này được xây dựng bằng đá với những khối cự thạch nặng tới 1 tấn đặt ở mỗi góc.
Những gì còn lại của cấu trúc là các bức tường đá cao 3 m, tạo nên một mê cung nhỏ, chính giữa có một ngôi mộ cổ.
Tuy cấu trúc được tìm thấy không có phần mái che và không thể xác định được nó từng có mái che bằng đá hay không, các nhà khảo cổ vẫn cho rằng nó là dạng kim tự tháp, bởi phía trên cấu trúc đá còn có một gò đất nhân tạo lớn.
Các bức tường xếp thành hình lục giác bao bọc bên ngoài kim tự tháp cũng được trang trí công phu bằng tranh khắc đá hoặc các dạng tác phẩm nghệ thuật khác, chủ yếu là hình động vật như lạc đà và ngựa.
Một số đồ trang sức, đồ gốm tùy táng đã được tìm thấy nhưng nhóm nghiên cứu không nói rõ đã xác định hài cốt con người hay chưa.
Việc khai quật và phân tích các hiện vật vẫn đang được tiến hành sau bản công bố sơ bộ này.
Những người sống ở vùng này vào thời điểm kim tự tháp được xây dựng - khoảng 3.800 năm trước - cũng xây dựng nhiều ngôi mộ và tượng đài bằng đá, đồng thời nổi tiếng với nghề kim hoàn. Chủ lực của nền kinh tế có thể là hoạt động chăn nuôi những bầy gia súc khổng lồ.