Ông Medvedev nói về “cuộc ly hôn xấu xí” của Mỹ - EU
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 28-11 nhận định “cuộc hôn nhân” giữa Mỹ và Liên minh châu Âu có thể sẽ kết thúc bằng “ly hôn” sau “sự gian lận kinh tế” từ phía Mỹ.
Theo đài RT, cựu tổng thống Nga đưa ra nhận định trên sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng tức giận vì "chủ nghĩa cơ hội của Mỹ" trong xung đột Ukraine.
Ông Medvedev viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram: "Mỹ không có ý định chia sẻ thu nhập với EU. Ngược lại, nước này còn bỏ túi số tiền tiết kiệm cuối cùng của "đối tác lớn tuổi" mà không chút e ngại".
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho rằng "hôn nhân" giữa Mỹ và EU có thể sẽ kết thúc không êm đẹp. Ảnh: Sputnik
Theo ông Medvedev, Washington đã khiến điều kiện kinh doanh trong nước hấp dẫn hơn với các công ty châu Âu, khuyến khích các nước khác mua sản phẩm của Mỹ. Trong khi đó, thị trường cho hàng hóa châu Âu đang dần thu hẹp, một phần do quyết định không làm ăn với Nga, ông nói thêm.
Ông Medvedev nói: "Không thể tin tưởng những kẻ bảo trợ giàu có. Nếu tiếp tục như vậy, châu Âu sẽ mất số tiền đáng ra là của họ". Đồng thời, ông lưu ý thêm rằng EU có thể "chia tay với đối tác lừa dối và trở nên tự do" nhưng e rằng họ không có đủ quyết tâm cho việc này.
Đài RT nhận định sự rạn nứt ngày càng tăng giữa EU và Mỹ được phản ánh trong các tuyên bố giữa các thành viên EU và trong báo cáo của phương tiện truyền thông phương Tây.
Tuần trước, tờ Politico đưa tin rằng EU ngày càng tức giận với Mỹ do nhận thấy Washington đang trục lợi từ cuộc khủng hoảng giữa các thành viên thành viên. Một số quan chức cấp cao của EU khó chịu trước việc các nhà cung cấp năng lượng Mỹ bán khí tự nhiên hóa lỏng cho các quốc gia EU với giá cao gấp 4 lần so với giá trong nước và các nhà thầu quân sự Mỹ đang hưởng lợi bằng cách "bán thêm vũ khí" cho Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: POOL
Cũng theo tờ Politico, các quan chức EU cho rằng Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước đang vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, gây khó cho các doanh nghiệp châu Âu vốn phải đối mặt với giá năng lượng cao kỷ lục tại quê nhà.
Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby ngày 28-11 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể sẽ thảo luận về Đạo luật Giảm lạm phát khi họ gặp nhau vào ngày 1-12.
Một cố vấn của Tổng thống Macron tiết lộ Tổng thống Pháp sẽ cố gắng thuyết phục người đồng cấp Mỹ rằng việc làm suy yếu các công ty châu Âu không có lợi cho Washington. Ông Macron sẽ đàm phán để Mỹ miễn trừ đạo luật với các công ty châu Âu như đã làm với Mexico và Canada.