Những bà mẹ Daechi ở Hàn Quốc
Nói một cách đơn giản, thời gian biểu của bà Park, một bà mẹ "toàn thời gian" 48 tuổi, chính là thời gian biểu của 2 con gái. Bà thức dậy lúc 6 giờ 30 phút để đưa các con đến trường, sau đó về nhà làm việc nhà, chuẩn bị cơm trưa cho con.
Hết giờ học, bà thả con ở hagwon (trường tư ở Hàn Quốc) vào khoảng 16 giờ - 17 giờ và đón con về lúc 22 giờ. Một ngày của bà kết thúc khi các con đi ngủ. Trong các kỳ nghỉ hè và nghỉ đông, bà lái xe đưa 2 con đến một hagwon khác để tham gia khóa học đặc biệt.
Điều đáng nói là bà Park vốn không phải người nội trợ mà từng nắm giữ vị trí quản lý cấp cao trong một công ty sau hơn 2 thập kỷ nỗ lực không ngừng - theo báo The Korea Herald.
Lý do khiến bà từ chức 2 năm trước là để dẫn dắt 2 con - khi ấy đang học trung học và lớp 10 - dò dẫm trên con đường học vấn đầy cam go ở phường Daechi thuộc quận Gangnam giàu có ở thủ đô Seoul.
Bà Park chia sẻ rằng theo thời gian, khi con gái đối mặt với kỳ thi đại học khó khăn, niềm tự hào giữ chức cao trong thế giới kinh doanh vốn do đàn ông thống trị của bà dần nhạt nhòa.
Những tòa nhà treo bảng hiệu trường tư dày đặc ở phường Daechi, TP Seoul Ảnh: The Korea Herald
Daechi được xem là tâm điểm của nỗi ám ảnh về chuyện học tập của con cái ở Hàn Quốc. Nơi đây có hàng ngàn hagwon phục vụ cho mục tiêu tối thượng của các bà mẹ bất chấp điều kiện gia đình khác nhau: Khép lại 12 năm đèn sách bằng việc đậu vào một trường đại học tiếng tăm.
Ngoài đại học hàng đầu trong nước, một số bà mẹ còn dự định cho con đi du học. Bà Kim Eun-hye đã cho con cả của mình vào học trường quốc tế trên đảo Jeju vì mục đích này và bà chấp nhận cái giá rất đắt đỏ: Tiền học phụ đạo ở hagwon vào khoảng 1 triệu won/môn/tháng (gần 800 USD) đối với học sinh trung học, tức gần 1/3 học phí ở trường quốc tế trong 1 năm.
Sở dĩ các bà mẹ chịu bỏ thời gian, công sức và tiền bạc đến như vậy, theo giáo sư tâm lý học Lim Myung-ho của Trường ĐH Dankook, vì "con cái thành tài đem lại cho người mẹ cảm giác hoàn thành tâm nguyện và được đền đáp". Nhưng sau khi con vào được đại học, họ có thể phải đối mặt hội chứng trống rỗng.
Thêm vào đó, chuyên gia xã hội học Huh Chang-deog của Trường ĐH Yeungnam đánh giá việc những phụ nữ rời bỏ lực lượng lao động là một tổn thất cho xã hội và với cá nhân họ, hy sinh sự nghiệp không phải là một quyết định khôn ngoan.