A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhật Bản thay đổi chính sách để thu hút nhân lực

Chương trình đào tạo kỹ thuật mới được kỳ vọng sẽ giúp Nhật Bản thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ tốt hơn lao động nước ngoà

Hội đồng chuyên gia của chính phủ Nhật Bản đã chính thức đề xuất thiết lập một chương trình đào tạo kỹ thuật mới dành cho người lao động (NLĐ) nước ngoài để giúp bảo đảm nguồn nhân lực trong nước. Trước đó, hội đồng này được giao nhiệm vụ đánh giá chương trình thực tập kỹ năng (TTKN) hiện tại, nên trong dự thảo báo cáo tạm thời đã kêu gọi hủy bỏ chương trình hiện nay và thiết lập một chương trình mới.

Đòi hỏi cao hơn

Ông Koichi Takenada, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hondaplus Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tại Nhật Bản sẽ gặp khó khăn nếu không có lực lượng thực tập sinh (TTS). Hiện 1/3 nhân sự của Công ty Hondaplus tại Nhật Bản là TTS và kỹ sư người Việt.

Theo ông Koichi Takenada, việc chính phủ Nhật Bản tìm giải pháp mới thay thế cho chương trình TTKN là nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực từ bên ngoài, do trong nước đang khan hiếm lao động. Trong đó, chính phủ Nhật Bản đặc biệt coi trọng các tiêu chuẩn tuyển dụng theo hướng đòi hỏi cao hơn về trình độ tay nghề và ngôn ngữ tiếng Nhật. Điều kiện làm việc và thu nhập của NLĐ nước ngoài cũng sẽ được cải thiện nhằm khuyến khích họ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế Nhật Bản. Dự báo trong khoảng 10 năm tới, Nhật Bản sẽ thiếu nhiều nhân lực để tái thiết nền kinh tế. Do đó, chính phủ phải tính toán kỹ để thu hút lao động nước ngoài, trong đó có cải tổ chương trình TTKN vốn đang gặp nhiều ý kiến trái chiều.

Nhật Bản thay đổi chính sách để thu hút nhân lực - Ảnh 1.

Một lớp đào tạo cho người lao động trước khi sang Nhật Bản làm việc

Ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Koichi Takenada đánh giá cao chất lượng lao động Việt Nam. Tuy vậy, trong thời gian tới, DN phái cử lao động cần quan tâm nhiều hơn việc đào tạo cho TTS trước khi đưa đến Nhật Bản làm việc. "NLĐ được đào tạo tốt hơn thì khi sang Nhật Bản sẽ dễ dàng thích nghi với công việc, nhà tuyển dụng cũng không mất thời gian đào tạo. Có như vậy, thu nhập của NLĐ cũng sẽ được cải thiện" - ông Koichi Takenada bày tỏ.

Cơ hội làm việc lâu dài

Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Esuhai Group (quận Tân Bình, TP HCM), nhận định việc chính phủ Nhật Bản xây dựng một chương trình đào tạo kỹ thuật mới dành cho lao động nước ngoài sẽ góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực cho cả Nhật Bản và Việt Nam.

Chương trình mới cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho NLĐ Việt Nam. Nhiều năm qua, chương trình TTKN đã giúp hàng trăm ngàn lao động Việt Nam cải thiện tay nghề, nâng cao kỹ năng làm việc và có nguồn thu nhập tốt. "Chương trình mới sẽ có những thay đổi mang tính đột phá, trong đó chất lượng đầu vào tuyển dụng sẽ được nâng lên. Điều này đòi hỏi DN dịch vụ phải đáp ứng các điều kiện về tuyển chọn và đào tạo NLĐ trước khi phái cử sang Nhật Bản" - ông Sơn nhận định.

Hiện Nhật Bản cũng xem xét gia hạn thời gian lưu trú cho lao động người nước ngoài có tay nghề cao và mở rộng ưu đãi này ra nhiều ngành nghề thay vì chỉ tập trung vào ngành xây dựng và điều dưỡng.

Chương trình kỹ năng đặc định (KNĐĐ) được triển khai vào năm 2019, cấp tư cách lưu trú cho người nước ngoài làm việc trong 12 lĩnh vực. Trong đó, 9 lĩnh vực có thời hạn cư trú tối đa 5 năm, còn 3 lĩnh vực xây dựng, đóng tàu và điều dưỡng sẽ làm việc lâu dài nếu đạt được một số tiêu chuẩn của Nhật Bản. Chương trình KNĐĐ mới dự kiến cho phép NLĐ nước ngoài trong tất cả 12 lĩnh vực tiếp cận được cơ hội làm việc lâu dài và hướng tới trở thành thường trú nhân. Đề xuất này có thể nhận được sự chấp thuận của nội các Nhật Bản vào tháng 6 tới.

Thị thực lao động lành nghề KNĐĐ có 2 loại. Những lao động được cấp thị thực loại 1 sẽ ở lại tối đa 5 năm sau khi hoàn thành các yêu cầu như vượt qua bài kiểm tra hoặc hoàn thành chương trình TTKN. Còn những người có thị thực loại 2 có thể gia hạn tình trạng cư trú vô thời hạn. NLĐ được phép mang theo con và người phụ thuộc đến Nhật Bản. Nếu những NLĐ đó ở lại Nhật Bản từ 10 năm trở lên và có đủ tài sản để duy trì sự ổn định về tài chính, cùng nhiều điều kiện khác thì có thể nộp đơn xin thường trú.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...