Người giàu Trung Quốc tiếp tục tăng chi tiêu
Người giàu Trung Quốc tiếp tục chi tiêu trong năm nay, trong khi những người có thu nhập thấp hơn cắt giảm chi tiêu mạnh hơn, dựa trên kết quả khảo sát của McKinsey & Company vừa công bố trong ngày 08/12.
Tình trạng này khá trái ngược với năm 2019, trước khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra. Tại thời điểm đó, dường như không có quá nhiều khác biệt trong xu hướng chi tiêu giữa hai nhóm, các chuyên viên phân tích tại McKinsey cho hay. Họ lưu ý một thước đo về tâm lý tiêu dùng ở Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay.
Các đợt phong tỏa và kiểm soát đi lại để phòng chống COVID-19 ở Trung Quốc lan rộng trong năm nay khi biến chủng Omicron thâm nhập vào quốc gia này. Đà giảm của thị trường bất động sản cũng tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Tuy nhiên, 26% người thuộc hộ gia đình có thu nhập hàng năm trên 345,000 Nhân dân tệ (49,286 USD) cho biết họ tăng chi tiêu thêm 5% hoặc hơn so với năm trước, theo kết quả khảo sát.
Chỉ 14% thuộc nhóm này cho biết họ cắt giảm đáng kể chi tiêu.
Xu hướng chi tiêu đảo ngược với những ai có thu nhập thấp hơn 85,000 Nhân dân tệ/năm (tương đương 12,175 USD). Chỉ 12% người thuộc nhóm này cho biết họ đã tăng chi tiêu, trong khi 27% cho biết đã giảm chi tiêu.
“Nhóm giàu có tự tin hơn về tài sản cá nhân và triển vọng tương lai của mình”, McKinsey cho biết. “Họ tương đối tự tin về việc làm trong tương lai và cho rằng tiền lương sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Họ cũng có nhiều tiền tiết kiệm hơn. Vì vậy, nhóm giàu có hơn tiếp tục chi tiêu, trong khi nhóm thu nhập thấp hơn tỏ ra do dự và trì hoãn quyết định chi tiêu”.
Cuộc khảo sát của McKinsey có hơn 6,700 người tiêu dùng Trung Quốc tham gia và được thực hiện trong tháng 7/2022.
Trong những tháng sau đó, doanh số bán lẻ đều giảm khi Trung Quốc siết các biện pháp kiểm soát COVID ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Quảng Châu.
Tỷ lệ hộ gia đình ở thành thị muốn tiết kiệm cho “ngày mưa” tăng lên 58%, cao nhất kể từ năm 2014, theo kết quả khảo sát của McKinsey.
Bên cạnh việc ghi nhận tiền tiết kiệm cao hơn, hơn một nửa người tham gia kỳ vọng thu nhập của họ sẽ tăng đáng kể trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm xuống 54% trong năm nay, từ mức 59% trong năm 2019.
Ngày càng nhiều hộ gia đình giàu có
Nhìn về phía trước, McKinsey kỳ vọng số hộ gia đình ở thành thị nằm trong nhóm thu nhập thấp sẽ giảm trong vòng 3 năm tới, trong khi hàng triệu hộ gia đình sẽ bước vào nhóm giàu có.
Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 8/2022, các chuyên viên phân tích lưu ý những người tham gia khảo sát ở Trung Quốc có kỳ vọng về đà hồi phục kinh tế sau đại dịch cao hơn so với người tiêu dùng ở Mỹ, Anh hoặc Hàn Quốc. Chỉ Ấn Độ và Indonesia có tỷ trọng người tiêu dùng lạc quan cao hơn Trung Quốc, trích từ báo cáo.
“Người có thu nhập cao hơn đang giảm tần suất mua sắm hoặc thay đổi sang các nhóm hàng khác, thay vì chuyển sang các thương hiệu hoặc sản phẩm rẻ hơn”, các chuyên viên phân tích tại McKinsey cho biết.
Xem video nhiều hơn
Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa thích các thương hiệu nội địa và nền tảng livestream.
Những người tiêu dùng Trung Quốc tham gia cuộc khảo sát trong tháng 8/2022 cho biết họ dành ra trung bình 2 giờ mỗi ngày để xem các video ngắn trên các nền tảng như Douyin (TikTok ở Trung Quốc).
“Để thành công trong mảng thương mại trên nền tảng xã hội, không chỉ cần có một streamer giỏi, mà còn cần sản phẩm tốt và có nội dung để truyền tải về sản phẩm”, Daniel Zipser, Đối tác cấp cao tại McKinsey và phụ trách hành vi bán lẻ, tiêu dùng tại châu Á, cho hay.