Mỹ không còn hấp dẫn với người giàu thế giới
Nước Mỹ không còn là nơi cư trú hấp dẫn đối với những người giàu thế giới như thời trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
CNN dẫn báo cáo của công ty tư vấn nhập cư Henley & Partners có trụ sở tại London cho thấy, dòng vốn của các cá nhân có giá trị ròng cao đổ vào Mỹ đã giảm hơn 80% vào năm ngoái so với mức trước đại dịch.
Con số này giảm xuống chỉ còn 1.500 triệu phú vào năm 2022, từ mức 10.800 người trong giai đoạn năm 2013 đến năm 2019. Báo cáo cho biết “nước Mỹ đang mất đi ánh hào quang đối với các triệu phú di cư" và "Giấc mơ Mỹ" đang lụi tàn.
Báo cáo cũng lưu ý, các quốc gia nơi những người giàu di cư đến Mỹ cũng đã thay đổi. Trong khi trước đây, phần lớn những người nộp đơn cho các chương trình di cư đầu tư đến từ “các quốc gia đang phát triển có hộ chiếu yếu, quyền miễn thị thực hạn chế và khả năng kinh tế thấp”, thì hầu hết hiện nay đều đến từ các nước phát triển.
Theo các nhà phân tích, người giàu là nhân tố quyết định sức khỏe của một nền kinh tế do khả năng di chuyển tự do trên toàn cầu và điều này cung cấp “tín hiệu cảnh báo sớm về xu hướng của các quốc gia trong tương lai”.
Dữ liệu của công ty cho thấy vào năm 2014, Mỹ có dòng vốn ròng lớn nhất của các cá nhân có tài sản từ 1 triệu USD trở lên. Tuy nhiên, vào năm 2022, Mỹ chỉ chiếm vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng này, xếp sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Australia, Singapore, Canada và Thụy Sĩ.
Andrew Amoils - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại New World Wealth, đơn vị hỗ trợ biên soạn báo cáo - cho biết, nhiều người vẫn đang đến Mỹ, nhưng số người rời đi đã tăng lên đáng kể.
Báo cáo lưu ý, ngày càng có nhiều người Mỹ giàu có chuyển ra nước ngoài, “tìm kiếm những đồng cỏ xanh tươi hơn ở nước ngoài với tốc độ chưa từng có”. Một số người giải thích lựa chọn của họ là do lo ngại về thuế hoặc an ninh.
Công ty cũng ghi nhận sự thay đổi trong nước, các thành phố nhỏ được cư dân giàu có yêu thích hơn, trong khi các siêu đô thị như Chicago và New York đang chứng kiến làn sóng ra đi của các triệu phú.
Bất chấp những xu hướng đó, Mỹ vẫn là thị trường tài sản lớn nhất trị giá 65 nghìn tỉ USD, với 770 tỉ phú, 9.630 người có tài sản từ 100 triệu USD trở lên và 5,3 triệu cá nhân có thu nhập cao, Henley & Partners lưu ý. Theo sau là Trung Quốc với 21,7 nghìn tỉ USD tài sản tư nhân.